Trình tự thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm mới nhất

Bộ Nông nghiệp Môi trường hướng dẫn một số TTHC lĩnh vực giảm nghèo tại quyết định 967. Theo đó, hướng dẫn trình tự thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm.

Trình tự thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm

Trình tự thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm (Hình từ Internet)

Trình tự thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm

Tại Quyết định 967/QĐ-BNNMT năm 2025, Bộ Nông nghiệp Môi trường hướng dẫn thủ tục công nhận hộ nghèo và cận nghèo định kỳ hàng năm gồm các nội dung cụ thể như sau:

(1) Trình tự thực hiện

Bước 1: Gửi hồ sơ

Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

 Mẫu số 1

Bước 2: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát

- Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp (viết tắt là thôn) và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH, gồm: Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát và hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát, rà soát viên sử dụng Phiếu A theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH (hướng dẫn sử dụng phiếu A tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH) để nhận dạng nhanh đặc điểm hộ gia đình. Trường hợp có dưới 04 chỉ tiêu từ cột 01 đến cột 09 thì đưa vào danh sách hộ gia đình cần rà soát.

Bước 3: Thu thập thông tin, tính điểm và phân loại hộ gia đình Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên sử dụng Phiếu B theo Phụ lục III và hướng dẫn sử dụng phiếu B tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH để thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

 Phiếu A

 Phiếu B

 hướng dẫn sử dụng phiếu A, B

Bước 4: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát

- Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

- Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát. Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại tại Bước 2 và tổ chức họp dân lại tại Bước 3 này.

- Kết quả cuộc họp được lập thành 02 biên bản theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện các hộ dân (01 bản lưu ở thôn, 01 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

Bước 5: Niêm yết, thông báo công khai

- Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Hết thời gian niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo (sau khi rà soát) theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH.

Bước 6: Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.

Bước 7: Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 02 và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

(2) Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ: Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

(3) Thời gian giải quyết: Rà soát từ ngày 01/9 đến hết ngày 14/12 của năm.

(4) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Hộ gia đình.

(5) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp xã.

(6) Cơ quan/người có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

(7) Cơ quan/người phối hợp: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

(8) Tên mẫu đơn, tờ khai: Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

(9) Lệ phí: Không.

(10) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

- Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg

- Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

 Mẫu số 02

 Mẫu số 03 

(11) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không quy định

(12) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính

- Quyết định 24/2021/QĐ-TTg

- Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH

- Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH

Xem thêm tại Quyết định 967/QĐ-BNNMT năm 2025.

Lê Quang Nhật Minh

11

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác