Vay tiền ngân hàng rồi qua đời: Số nợ đó có được ngân hàng xóa bỏ?

Khi một người vay tiền ngân hàng và qua đời, vấn đề xử lý khoản nợ sẽ phụ thuộc vào các quy định pháp lý cũng như hợp đồng vay của người vay.

Vay tiền ngân hàng rồi qua đời: Số nợ đó có được ngân hàng xóa bỏ

Vay tiền ngân hàng rồi qua đời: Số nợ đó có được ngân hàng xóa bỏ? (Hình từ Internet)

1. Vay tiền ngân hàng rồi qua đời: Số nợ đó có được ngân hàng xóa bỏ?

Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, kể cả trong trường hợp người vay tiền không may qua đời thì những người hưởng thừa kế của người vay tiền có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người chết trong phạm vi di sản mà người chết để lại và của mình được nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

2. Người thừa kế có quyền từ chối trả tiền cho người vay đã chết không?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

"Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”.

Như vậy, nếu người thân hoặc thừa kế từ chối nhận di sản, thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm về khoản nợ của người đã qua đời. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản có thể dẫn đến việc họ không được nhận tài sản thừa kế.

Bên cạnh đó, nếu trong hợp đồng vay tiền cho thỏa thuận chỉ người vay là người phải trả nợ thì khi người này chết, hợp đồng vay tiền sẽ chấm dứt, theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015.

3. Những nhu cầu vốn ngân hàng không được cho vay

Căn cứ Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Điều 1 Thông tư 10/2023/TT-NHNN) quy định về những nhu cầu vốn mà ngân hàng không được cho vay như sau:

- Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.

- Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.

- Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.

- Để mua vàng miếng.

- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Để gửi tiền.

Phạm Việt Trinh

43

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác