Vấn đề lương, thưởng trong doanh nghiệp có phần vốn đa số của Nhà nước nên nhìn nhận đúng là vấn đề riêng của doanh nghiệp, không phải là vấn đề giữa chủ sở hữu và người đại diện của chủ sở hữu trong doanh nghiệp đó. Ảnh: MINH KHUÊ
|
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa
đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về quản lý lao động tiền lương,
tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (dự thảo).
Hiện vấn đề lương, thưởng trong các công
ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước được điều chỉnh bởi Nghị định 50/2013/NĐ-CP (đối với người lao động) và Nghị định 51/2013/NĐ-CP (đối với các vị trí quản lý như thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công
ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng).
Sự cần
thiết, nhìn từ bản chất
Tiền lương, bản chất là sự trả công của
người chủ - người mua - cho khả năng, sức lực, trí tuệ của người lao động - người
bán, dựa trên sự thỏa thuận của đôi bên. Sức lao động không phải là mặt hàng cần
thiết phải áp dụng giá trần. Tiền lương, thưởng sẽ biến thiên theo sự thay đổi
về năng lực, cống hiến của người lao động và kết quả lao động của tập thể. Nội
dung này cũng đã được quy định tại điều 90 và điều 103 của Bộ
luật Lao động, tạo khung pháp lý cho những thỏa thuận về tiền lương trong
doanh nghiệp, mà không cần thiết phải có thêm những văn bản pháp lý mang tính
hành chính áp dụng cho một mối quan hệ mang tính thị trường.
Có thể có không ít người lo lắng rằng nếu
không có các quy định điều chỉnh trực tiếp lương, thưởng cho các doanh nghiệp
có vốn góp của Nhà nước thì nguy cơ của sự tùy tiện ban hành các quy định nội bộ
có lợi cho người quản lý doanh nghiệp do Nhà nước đề cử sẽ rất cao, tạo ra sự
cách biệt quá lớn giữa thu nhập từ tiền lương của người quản lý doanh nghiệp đó
với những người lao động khác trong doanh nghiệp và giữa thu nhập từ tiền lương
của người quản lý doanh nghiệp đó với các “đồng nghiệp” đang làm các công việc
quản lý nhà nước khác chứ không được phân công đại diện phần vốn góp của Nhà nước
tại doanh nghiệp.
Nếu xem doanh nghiệp là một ngôi nhà thì
chủ nhà hoặc người do chủ nhà trao quyền quản lý phải chịu trách nhiệm cao nhất
về việc thu chi, ngân sách, kinh tế của gia đình. Công ty cổ phần hay công ty
trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đều có người đại diện
vốn nhà nước để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
Người đại diện vốn tham gia trực tiếp vào quá trình đưa ra các quyết định của
doanh nghiệp, bao gồm quy chế lương, thưởng, phê duyệt kế hoạch lương, thưởng
hàng năm, chính sách phúc lợi cho người lao động thông qua cơ chế hoạt động của
hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông trong doanh
nghiệp theo điều lệ của doanh nghiệp đó.
Khi người đại diện vốn không làm việc
trên tinh thần vì lợi ích của chủ sở hữu hay liên quan đến việc thông qua các
quyết định sai gây hậu quả cho doanh nghiệp, chủ sở hữu Nhà nước hoàn toàn có
quyền xử lý trách nhiệm đối với người đại diện vốn. Cho nên, vấn đề lương, thưởng
trong doanh nghiệp có phần vốn đa số của Nhà nước nên nhìn nhận đúng là vấn đề
riêng của doanh nghiệp, không phải là vấn đề giữa chủ sở hữu và người đại diện
của chủ sở hữu trong doanh nghiệp đó.
Thiết nghĩ, Nhà nước chỉ nên điều chỉnh
chung ở tầm vĩ mô mà không nên can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, quản lý
tài chính, ngân sách của doanh nghiệp. Sự can thiệp của Nhà nước như quy định của
dự thảo nói trên có thể tạo ra những tình huống lưng chừng, làm khó cho người đại
diện vốn, chẳng hạn như hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị hoặc đại hội
đồng cổ đông của doanh nghiệp không thông qua kế hoạch tiền lương, thưởng theo
quy định của dự thảo nếu phần vốn của Nhà nước không đủ để tạo ra quyền tự quyết
định theo đề xuất của mình căn cứ vào điều lệ của doanh nghiệp.
Đến
yếu tố kỹ thuật
Cần thấy rằng những người quản lý doanh
nghiệp và bộ phận tư vấn, tham mưu, giúp việc cho họ gần như vững chắc hơn các
cơ quan quản lý lao động về các yếu tố kỹ thuật và nghiệp vụ khi xây dựng kế hoạch
lao động, kế hoạch lương, thưởng cho doanh nghiệp bởi họ là những người làm thực
tế, là người hiểu rõ doanh nghiệp của mình hơn ai hết và chịu trách nhiệm trước
cổ đông, thành viên góp vốn đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước
có lẽ không cần phải chủ động làm công việc của cán bộ tiền lương khi soạn thảo
cẩm nang “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn doanh nghiệp những vấn đề kỹ thuật về
lập quỹ tiền lương kế hoạch, mức tiền lương bình quân, điều chỉnh tăng giảm đối
với các cơ số này như trong dự thảo.
Dự thảo cũng hướng tới quy định lương trần
của cán bộ quản lý, ví dụ nếu lợi nhuận kế hoạch của doanh nghiệp dưới 500 tỉ đồng
và tiền lương bình quân của người lao động từ 15 triệu đồng/tháng trở lên thì
tiền lương bình quân của người quản lý tối đa là 80 triệu đồng/tháng. Có thể
nhìn nhận những quy định như vậy theo hướng tích cực là sự công khai, minh bạch
trong hệ thống lương, thưởng của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhất là sau
những phản ứng của dư luận về mức lương “khủng” của các sếp doanh nghiệp nhà nước
trên báo chí.
Tuy nhiên, cơ sở khoa học cho mức lương
trần này là gì? Tại sao là 80 triệu/tháng mà không phải là một con số khác? Con
số này bất biến hay sẽ được thay đổi theo thời gian? Liệu quy định có phần chủ
quan như thế có kéo tụt sự năng động, cống hiến của một bộ phận người quản lý
doanh nghiệp giỏi hay không? Liệu họ có dứt áo ra đi, tìm đến khối doanh nghiệp
dân doanh hay có vốn đầu tư nước ngoài khi thấy rằng tiền lương, thưởng mà họ sẽ
nhận được tại đó hoàn toàn dựa trên cơ sở thỏa thuận và hiệu quả lao động?
Bộ luật Lao động là văn bản quy phạm
pháp luật cao nhất điều chỉnh vấn đề lao động, tiền lương nhưng dường như nó chưa
được sự lưu tâm đúng mức trong quá trình soạn thảo dự thảo này.
Bộ luật Lao động quy định tiền lương dựa
trên thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động và là một nội dung
cơ bản của hợp đồng lao động nên hai bên phải thỏa thuận nếu có yêu cầu điều chỉnh
tiền lương.
Nếu có sự thay đổi về kế hoạch dẫn đến
thay đổi mức tiền lương bình quân, để hoàn toàn tuân thủ dự thảo, hẳn là sau mỗi
năm doanh nghiệp lại phải thỏa thuận điều chỉnh tiền lương theo hợp đồng của
không ít người lao động. Nhưng nếu người lao động không đồng ý điều chỉnh giảm
tiền lương thì phương án xử lý của doanh nghiệp sẽ như thế nào?
Ngoài những vấn đề trên, dự thảo cũng
còn nhiều hạt sạn về kỹ thuật soạn thảo văn bản như dùng thuật ngữ “hội đồng cổ
đông” thay vì đại hội đồng cổ đông, hay quy định về người quản lý chuyên trách
và không chuyên trách nhưng lại chưa có cơ sở xác định hai đối tượng này.
Thị Hoàng Oanh - Luật sư Nguyễn Vân Quỳnh, Công ty Luật Phuoc & PartnersCao
Theo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
3,620
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN