Doanh nghiệp (DN) không vay được vốn thì không chỉ DN
khó mà các ngân hàng (NH) cũng gặp khó về mở rộng và tăng trưởng tín
dụng. Có nên nới lỏng điều kiện vay vốn để DN và NH cùng “dễ thở”?
Cho vay mới, trả nợ cũ
Thưa ông, sắp tới liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nới lỏng điều kiện cho vay để DN có vốn hoạt động?
+ Ông Nguyễn Hoàng Minh , Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM:
Nghị quyết 13 của Chính phủ có nêu một số nội dung liên quan đến hoạt
động tín dụng. Cụ thể là cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho
vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết…
Theo tôi, những DN hiện không trả được nợ đến hạn hoặc
nợ quá hạn thì có thể sẽ được cho vay mới trả nợ cũ để kéo dài thời gian
trả nợ.
Tuy nhiên, triển khai nội dung trên như thế nào thì chúng tôi đang chờ Thống đốc NHNN hướng dẫn cụ thể.
DN nào có thể được vay mới, thưa ông?
+ Nghị quyết 13 yêu cầu NHNN tạo điều kiện thuận lợi
cho DN vay được vốn, nhất là DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm
đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.
Thời gian qua, có nhiều DN vì yếu tố khách quan như
khủng hoảng kinh tế, lạm phát… nên gặp khó khăn trong kinh doanh và chưa
trả được nợ. Khi không trả được nợ cũ thì không vay được vốn mới. Nghị
quyết 13 sẽ tạo thay đổi và đối tượng này sẽ được vay.
DN đang nợ, chưa trả được nợ nên không được vay. Bây giờ NH cho họ vay thì liệu có rủi ro không ?
+ Quy chế cho vay vẫn có ba ràng buộc chặt chẽ: Một là
DN được thành lập theo quy định của pháp luật, có phương án kinh doanh
khả thi; hai là tài chính minh bạch rõ ràng; ba là có tài sản thế chấp.
Nhiều DN có phương án kinh doanh tốt nhưng thiếu tài sản thế chấp, liệu có được vay hay không?
+ Chúng tôi đang kiến nghị với UBND TP và Quỹ Bảo lãnh
tín dụng để hỗ trợ các DN loại này. Đây cũng là chức năng của Quỹ Bảo
lãnh tín dụng.
Có ý kiến cho rằng DN A vay được vốn sẽ đem cho
DN B đang nợ, DN B dùng tiền này trả nợ cho NH, chẳng qua là hình thức
đảo nợ. Ông nhận định ý kiến này thế nào?
+ DN sử dụng vốn như vậy là sai mục đích. Nếu phát hiện thì sẽ bị thu hồi lại các khoản đã giải ngân.
Nhiều DN “quên” Quỹ Bảo lãnh tín dụng
Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCMhiện ra sao, thưa ông?
+ Vốn quy định của quỹ là 50 tỉ đồng nhưng quỹ của Tp. HCMcó vốn điều lệ lên tới 194 tỉ đồng, cộng các nguồn vốn khác là 220 tỉ
đồng. Như vậy, so với vốn quy định thì quỹ cao gấp 4-5 lần, tuy nhiên
hoạt động bảo lãnh còn khiêm tốn vì số DN tại TP cần phải bảo lãnh là
quá lớn.
Cụ thể DN nào sẽ được quỹ này hỗ trợ?
+ DN nhà nước, DN tư nhân đều có thể được quỹ bảo lãnh.
Nói chung quỹ này dành cho DN nhỏ và vừa nhưng kinh tế hộ gia đình và
tiểu thương thì không được. Những DN nào có đủ điều kiện vay, chỉ vì
thiếu tài sản thế chấp nên thời gian qua không vay được thì quỹ sẽ đứng
ra bảo lãnh để họ có thể vay.
Nhiều DN đã được hỗ trợ chưa, thưa ông?
+ Trong thời gian qua quỹ hoạt động hiệu quả. Tuy
nhiên, mới đây chúng tôi có làm việc ở nhiều quận, huyện, phát hiện rất
nhiều DN không biết đến quỹ này. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp
với quỹ để làm công tác tuyên truyền. Mặt khác, cũng sẽ tìm cách để nâng
số vốn của quỹ lên cao hơn nữa.
NHNN Chi nhánh TP. HCMhiện đang làm gì để hỗ trợ DN vay vốn, thưa ông?
+ Hiện NHNN Chi nhánh TP. HCM đang yêu cầu các NH, đặc biệt là NH có thanh khoản tốt, chủ động tìm
đến DN để giúp DN vay được vốn. Có 70%-75% thu nhập của NH là từ việc
cho vay. NH không tích cực cho vay thì làm sao có lãi! Vốn trong tủ,
trong kho đầy mà không cho vay được thì NH sẽ lỗ thôi.
Xin cảm ơn ông.
Từ nay đến cuối năm: Tín dụng tăng trưởng 10%-12% Năm 2012, TP. HCM giao chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 15%-17%. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay tín dụng không phát triển được mà còn bị giảm. Sắp tới việc mở rộng cho vay có thể giúp tín dụng tăng
trưởng tốt hơn. Nếu làm tốt thì từ giờ đến cuối năm, tăng trưởng tín
dụng tại TP. HCM vào khoảng 10%-12%. |
Theo Yên Trang
Pháp luật TPHCM