07 nguyên tắc áp dụng đối với trí tuệ nhân tạo từ 01/01/2026

Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 theo đó quy định 07 nguyên tắc đối với trí tuệ nhân tạo từ 01/01/2026.

07 nguyên tắc đối với trí tuệ nhân tạo từ 01/01/2026

07 nguyên tắc đối với trí tuệ nhân tạo từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)

07 nguyên tắc đối với trí tuệ nhân tạo từ 01/01/2026

Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.

Theo Luật Công nghiệp công nghệ số 2025, Hệ thống trí tuệ nhân tạo là hệ thống dựa trên máy móc được thiết kế để hoạt động với các mức độ tự chủ khác nhau và có khả năng thích ứng sau khi triển khai nhằm đạt được những mục tiêu rõ ràng hoặc ngầm định, suy luận từ dữ liệu đầu vào mà hệ thống này nhận được để tạo ra dự đoán, nội dung, khuyến nghị, quyết định có thể ảnh hưởng đến môi trường thực hoặc môi trường điện tử. Hệ thống trí tuệ nhân tạo là sản phẩm công nghệ số tích hợp giữa phần cứng, phần mềm và dữ liệu. (khoản 9 Điều 3)

Đồng thời Luật quy định nghiêm cấm sử dụng, cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phá hoại thuần phong mỹ tục

Tại Điều 41 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 quy định nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo như sau:

(1) Phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thúc đẩy thông minh hóa; tiếp cận bao trùm, linh hoạt, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, dân tộc; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

(2) Bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng giải thích được; bảo đảm không vượt qua tầm kiểm soát của con người;

(3) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng;

(4) Bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân;

(5) Bảo đảm khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo;

(6) Kiểm soát rủi ro trong suốt vòng đời của hệ thống trí tuệ nhân tạo;

(7) Bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan.

Sản phẩm số của trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng từ 01/01/2026

Theo Điều 44 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025, quy định dấu hiệu nhận dạng đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo như sau:

- Hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trực tiếp với con người phải có thông báo cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo, trừ trường hợp người sử dụng hiển nhiên biết về việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo.

- Sản phẩm công nghệ số thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng để người sử dụng hoặc máy nhận biết.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

+ Ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo;

+ Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định trên gồm: Dấu hiệu cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo và dấu hiệu nhận dạng sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo quy định như trên.

Như vậy, từ 01/01/2026, sản phẩm số do AI tạo ra thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ số do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành phải có dấu hiệu nhận dạng để người sử dụng hoặc máy nhận biết.

Xem thêm tại Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.

12

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác