
Trụ sở Bộ Tư pháp
1. Nỗ lực giúp cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai thi hành
Hiến pháp năm 2013
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động thi hành Hiến pháp; triển khai
tổ chức rà soát và tổng hợp kết quả rà soát hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp
luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới; tham mưu Chính
phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp
triển khai thi hành Hiến pháp.
2. Quốc hội thông qua Luật Hộ
tịch
Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật
hộ tịch - văn bản đầu tiên ở tầm luật điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch, tạo bước đột phá về thể chế hộ
tịch, tạo nền tảng cho những cải cách trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch
nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Cắt giảm mạnh thủ tục và các giấy tờ
trong đăng ký hộ tịch (giảm từ 46 xuống 25 thủ tục); đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng Cơ
sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiến tới thực hiện đăng ký trực tuyến (từ
năm 2020), đồng thời kết nối, chia sẻ thông tin hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư; luật hóa tiêu chuẩn của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch,
nhằm nâng cao năng lực, trình độ và chất lượng đăng ký hộ tịch đáp ứng yêu cầu
cải cách.
3. Năm đầu tiên Bộ Tư pháp được
giao đại diện pháp lý cho Chính phủ và đã bảo vệ thành công liên tiếp 2 vụ kiện
đầu tư quốc tế
Năm 2014, Bộ Tư pháp đã thực hiện vai trò đại
diện pháp lý cho Chính phủ Việt Nam trong giải quyết và giành thắng lợi liên
tiếp 2 vụ kiện do nhà đầu tư nước ngoài kiện ra Hội đồng Trọng tài quốc tế yêu
cầu Chính phủ Việt Nam bồi thường nhiều triệu USD. Thành công này phản ánh sự
trưởng thành một bước của đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành
liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia
về mặt pháp lý trong quá trình đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
4. Bộ Tư pháp đứng nhóm đầu về
ứng dụng công nghệ thông tin
Năm 2014, Bộ Tư pháp đã được xếp thứ 2/21 các
bộ, cơ quan ngang Bộ về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể phục vụ công tác chỉ đạo, điều
hành của bộ, ngành Tư pháp và phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Cổng thông
tin điện tử Bộ Tư pháp; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống Quản lý Văn bản điều
hành và Hồ sơ lưu trữ; Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện, triển khai xây
dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và một số Cơ sở dữ liệu quản
lý chuyên ngành…
5. Chế định Thừa phát lại đi vào
hoạt động ổn định tại 12 tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm
Năm 2010, các Văn phòng Thừa phát lại đã được
thành lập tại TPHCM và đến nay đã đi vào hoạt động nề nếp; tổ chức và hoạt động
của Thừa phát lại đã giúp người dân thực hiện quyền công dân trong việc lựa
chọn và yêu cầu một số dịch vụ pháp lý về: Xác minh điều kiện thi hành án, yêu
cầu thi hành án, tống đạt giấy tờ của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và lập
vi bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế
định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết của Quốc hội, chế
định này được mở rộng thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố với 39 Văn phòng Thừa
phát lại được thành lập.
6. Thể chế về công chứng có bước
hoàn thiện quan trọng theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ
Ngày 20/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật
Công chứng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Theo đó, công chứng viên
được coi là “công lại”, cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm. Đây là cơ
sở pháp lý quan trọng nhằm đưa công chứng Việt Nam tiệm cận hơn với công chứng
thế giới; nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, mở rộng phạm vi hoạt động,
phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện
đại; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng thông qua chuyển đổi các Phòng
công chứng thành các Văn phòng công chứng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với
thông lệ quốc tế.
7. Công tác xây dựng, ban hành
văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quy
định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự
của Quốc hội
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, lần đầu
tiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị Đại biểu
Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển
khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành;
thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ khóa
XIII. Nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến bền vững đối với
các mặt công tác nêu trên được trình bày, nhận được sự đồng thuận rộng rãi của
dư luận xã hội.
Tính đến ngày 25/12/2014, trong năm 2014
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban
hành 106 văn bản để thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật;
"nợ đọng" thấp nhất từ trước đến nay; chỉ có một thông tư có một nội
dung chưa phù hợp với văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn.
8. Thành lập Cục Quản lý xử lý vi
phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 717/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và
theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp. Đây là cơ quan đầu tiên được
thành lập để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước, góp phần gắn công tác tham
mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật với công tác tổ chức thi hành
pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đánh dấu
bước phát triển mới trong tư duy xây dựng và thi hành pháp luật trong tiến
trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9. Đẩy mạnh cắt giảm, tăng liên
thông thủ tục hành chính
Năm 2014, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh
công tác cải cách thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá, đặc biệt
trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác dân sinh. Nổi
bật là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg về "Đề án
thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường
trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi"; Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục
hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng
đất để cải thiện môi trường kinh doanh; Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét ban hành Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng
ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
10. Bộ Tư pháp có 3 cán bộ chủ
chốt được luân chuyển về công tác tại địa phương
Theo quyết định của Ban Bí thư, trong năm
2014 Bộ Tư pháp đã có 3 cán bộ chủ chốt thuộc diện Quy hoạch chức danh lãnh đạo
Bộ giai đoạn 2013-2016 được luân chuyển về công tác tại địa phương, giữ các
chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ủy viên Ban Thường
vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Minh Khôi
Theo Chinhphu.vn
3,952