
Hộ kinh doanh nào không phải đăng ký kinh doanh từ 1/7/2025? (Hình từ internet)
Ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh nào không phải đăng ký kinh doanh từ 1/7/2025?
Căn cứ khoản 3 Điều 82 Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định về quyền thành lập hộ kinh doanh như sau:
…
3. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Như vậy, hộ kinh doanh không cần phải đăng ký kinh doanh trong những trường hợp sau đây:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối
- Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến
- Kinh doanh lưu động
- Kinh doanh thời vụ
- Người làm dịch vụ có thu nhập thấp
Lưu ý:
- Trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đăng ký hộ kinh doanh.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Xem thêm: Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới nhất 2025
Ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh từ 1/7/2025
Theo Điều 89 Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
- Hộ kinh doanh được quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh và phải đảm bảo duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh, khi đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh ghi ngành, nghề trên giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh và lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính. Đối với ngành, nghề kinh doanh khác ngành, nghề kinh doanh chính, người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh không phải ghi theo ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh vào Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh.
- Việc ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:
+ Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn thực hiện theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo quy định hiện hành;
+ Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó;
+ Đối với những ngành, nghề kinh doanh chưa được quy định cụ thể trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó;
+ Đối với những ngành, nghề kinh doanh chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Tài chính để nghiên cứu, bổ sung khi sửa đổi Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
+ Trường hợp hộ kinh doanh có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì hộ kinh doanh lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh dưới ngành kinh tế cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của hộ kinh doanh thuộc ngành kinh tế cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là ngành, nghề kinh doanh chi tiết hộ kinh doanh đã ghi;
+ Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại điểm b và điểm c khoản này thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản này, trong đó, ngành, nghề kinh doanh chi tiết được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
- Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện đầu tư kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
97
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN