Nguyên tắc quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 003/2025/TT-BNV

Theo Thông tư 003/2025/TT-BNV nguyên tắc quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?

Nguyên tắc quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 003/2025/TT-BNV

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 003/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2025.

Đối tượng áp dụng Thông tư 003/2025/TT-BNV được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP bao gồm:

[1] Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; người làm công tác cơ yếu.

[2] Ban điều hành: Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.

[3] Thành viên hội đồng: Chủ tịch và thành viên HĐTV hoặc HĐQT (không bao gồm thành viên độc lập HĐQT).

[4] Kiểm soát viên: Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát.

[5] Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu.

[6] Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định 44.

Nguyên tắc quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 003/2025/TT-BNV quy định nguyên tắc quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 44/2025/NĐ-CP cụ thể như sau:

Nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng

1. Lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.

2. Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.

3. Căn cứ quy định tại Nghị định này, pháp luật về lao động, việc làm, Điều lệ hoạt động và chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp quyết định việc tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, thưởng cho người lao động theo vị trí chức danh hoặc công việc, bảo đảm trả lương, thưởng thỏa đáng, không hạn chế mức tối đa đối với chuyên gia, người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đóng góp nhiều cho doanh nghiệp.

4. Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành, trong đó:

a) Đối với Ban điều hành, tiền lương được tính chung với quỹ tiền lương của người lao động. Tiền lương chi trả cho Ban điều hành gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có khống chế mức hưởng tối đa của Tổng giám đốc, Giám đốc so với mức tiền lương bình quân chung của người lao động (trừ trường hợp thành viên Ban điều hành được thuê làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương được chi trả theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động);

b) Đối với Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên làm việc chuyên trách, tiền lương được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên làm việc không chuyên trách hưởng thù lao theo thời gian làm việc thực tế. Trường hợp Thành viên hội đồng đồng thời đảm nhận chức danh Ban điều hành thì hưởng tiền lương theo chức danh Ban điều hành và thù lao theo chức danh Thành viên hội đồng làm việc không chuyên trách; Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc thì hưởng tiền lương theo chức danh Chủ tịch công ty; Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 103 Luật Doanh nghiệp thì Kiểm soát viên được hưởng tiền lương, thù lao của chức danh Trưởng Ban kiểm soát.

5. Khi xác định tiền lương của người lao động và Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên, nếu có các yếu tố khách quan quy định tại Điều 4 Nghị định này tác động trực tiếp làm tăng hoặc giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hoặc vốn góp của chủ sở hữu (sau đây gọi là tỷ suất lợi nhuận) thì doanh nghiệp tính toán loại trừ, bảo đảm tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thực sự của doanh nghiệp. Chỉ tiêu năng suất lao động do doanh nghiệp xác định dựa trên tổng sản phẩm, sản lượng (kể cả sản phẩm, sản lượng quy đổi) hoặc tổng doanh thu hoặc tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc lợi nhuận hoặc chỉ tiêu khác phản ánh được đặc điểm, tính chất, hao phí lao động của người lao động. Chỉ tiêu lợi nhuận để xác định tiền lương và tỷ suất lợi nhuận là lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì được sử dụng chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí sau khi loại trừ tác động của các yếu tố khách quan (nếu có) để thay cho chỉ tiêu lợi nhuận và tính tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương; đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì được loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường; doanh nghiệp thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí từ ngân sách do Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ (sau đây gọi là sản phẩm, dịch vụ công) thì tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Trong đó chỉ tiêu lợi nhuận để xác định tiền lương và tỷ suất lợi nhuận là lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì được sử dụng chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí sau khi loại trừ tác động của các yếu tố khách quan, nếu có để thay cho chỉ tiêu lợi nhuận và tính tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương.

Năng suất lao động và chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc vốn góp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp (sau đây gọi là tỷ suất lợi nhuận) được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 003/2025/TT-BNV.

Nguyễn Thị Hiền

38



tin noi bat
Bình luận
*
*
*
Vui lòng sử dụng tiếng Việt có dấu khi bình luận

 

Tin mới
Các tin khác