
Kế hoạch tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Xây dựng (Hình từ internet)
 |
Quyết định 563/QĐ-BXD |
Kế hoạch tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Xây dựng
Ngày 09/5/2025, Bộ Xây dựng Ban hành Quyết định 563/QĐ-BXD Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/4/2025 về tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (Chỉ thị 11/CT-TTg), Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg với các nội dung sau:
Mục đích và yêu cầu
- Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 2024 và Luật Đường bộ 35/2024/QH15 2024.
- Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Đường bộ 2024 để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải xác định việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 11/CT-TTg là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai hàng năm; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Đường bộ 2024.
Nhiệm vụ trọng tâm
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Đường bộ 2024, các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Luật góp phần hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên với mục tiêu kéo giảm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân; xác định đảm bảo an ninh, an toàn của người dân phải được đặt lên “trước hết, trên hết”.
- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Đường bộ 2024; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về giao thông, bảo đảm thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ, chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực để ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như: công tác đào tạo lái xe, công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ, công tác xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để kết nối, chia sẻ dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông trong quản lý phương tiện giao thông đường bộ, quản lý dữ liệu tàu thuyền qua GPS, xây dựng bản đồ số các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đảm bảo đồng bộ, thống nhất, số hóa dữ liệu.
- Đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang môi trường điện tử; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các nội dung chính của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Luật Đường bộ 2024, các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, chấp hành quy tắc giao thông, các quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải.
Nhiệm vụ cụ thể
Cục Đường bộ Việt Nam
- Hướng dẫn Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa ngay tại các điểm xuất phát, bến xe, quản lý chặt chẽ, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu vận tải, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông vận tải.
- Yêu cầu các tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, khai thác công trình kiểm soát tải trọng xe thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cân từ công trình kiểm soát tải trọng xe với Trung tâm chỉ huy giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông quản lý tuyến, địa bàn (nơi lắp đặt công trình kiểm soát tải trọng xe) và các cơ quan quản lý có liên quan để phục vụ xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
- Đôn đốc các Sở Xây dựng, chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ khẩn trương xử lý các tồn tại về báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông và các điểm trông, giữ xe gây xung đột giao thông; tổ chức làm việc với các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn để rà soát công tác quản lý, công tác tổ chức khai thác các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe bảo đảm hoạt động hiệu quả, phù hợp quy định.
- Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông.
- Ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ một số giải pháp xử lý các tồn tại, bất cập và nâng cao an toàn giao thông nhằm mục tiêu "Tổ chức giao thông phù hợp, bảo đảm người dân dễ hiểu, thuận lợi, an toàn khi tham gia giao thông".
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an trong chuyển giao quản lý, vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên hệ thống đường bộ do Cục quản lý.
Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng trong xây dựng yêu cầu kỹ thuật (như độ phân giải, thời gian lưu trữ, khả năng truyền dữ liệu, khả năng truy xuất dữ liệu …) trong cải tạo và kiểm định lưu hành đối với thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trang bị trên xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh và xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
- Tổ chức, triển khai và thực hiện kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành theo lộ trình được cấp có thẩm quyền quy định.
- Chủ động rà soát bất cập, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức hoạt động đăng kiểm xe cơ giới lưu hành, nhất là đăng kiểm phương tiện kinh doanh vận tải, đăng kiểm phương tiện quá khổ, quá tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoạt động của doanh nghiệp.
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng
- Chỉ đạo các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư công trình, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm, tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình thi công công trình.
Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa ngay tại các điểm xuất phát, bến xe, quản lý chặt chẽ, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu vận tải đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
- Khẩn trương rà soát và xử lý các tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ do địa phương quản lý (gồm hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe, gây xung đột giao thông); đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền công tác rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Công an tại địa phương trong chuyển giao quản lý, vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên hệ thống đường bộ do địa phương quản lý.
Nguyễn Tùng Lâm
8