Nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực dân tộc tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề xuất)

Dưới đây là bài viết về việc nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực dân tộc tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề xuất).

Nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực dân tộc tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (lần 2).

dự thảo Nghị định

1. Nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực dân tộc tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề xuất)

Theo đó, Điều 3 dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp như sau:

Việc phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ 2025; khoản 2 Điều 11, Điều 13, khoản 1 Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và nội dung cụ thể sau:

- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, chủ trương của Đảng về phân quyền, phân cấp.

- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

- Phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo phải gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương; giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.

- Việc quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp, phân định thẩm quyền phải bảo đảm nguyên tắc sau:

+ Những nội dung phân cấp, phân định thẩm quyền đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính;

+ Những nội dung phân cấp, phân định thẩm quyền chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

2. Phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo (đề xuất)

Căn cứ Điều 5 dự thảo Nghị định quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

- Sở Dân tộc và Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền:

+ Tiếp nhận thông báo bằng văn bản của người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong nhiều xã và có trách nhiệm bảo đảm việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo nội dung thông báo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 và khoản 4 Điều 13 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Tiếp nhận thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm hoặc danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc tỉnh theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều 43 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều xã thuộc tỉnh theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 45 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có quy mô tổ chức ở nhiều xã thuộc tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Tiếp nhận thông báo của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trước khi người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức quyên góp trên địa bàn nhiều xã theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 25 Nghị định 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

- Ủy ban nhân nhân cấp xã có thẩm quyền:

+ Tiếp nhận thông báo bằng văn bản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc về việc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho đối tượng không chuyên hoạt động tôn giáo; yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không tổ chức hoặc dừng việc mở lớp bồi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở một xã theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 45 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;

+ Trả lời bằng văn bản về việc tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có quy mô tổ chức ở xã theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

 

10

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác