
Công văn 2352: Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả (Hình từ internet)
Công văn 2352: Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả
Bộ Y tế có Công văn 2352/BYT-QLD ngày 20/4/2025 về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
 |
Công văn 2352/BYT-QLD |
Theo đó, nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và phòng ngừa việc sản xuất, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả; bảo đảm chất lượng, an toàn, tác dụng và hiệu quả điều trị cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các công việc sau đây:
- Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện 41/CĐ- TTg ngày 17/04/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Công an, Quản lý thị trường, Y tế...):
+ Mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó, chủ trọng điều tra, phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc đầu mối tập kết, phân phối các loại thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe gia, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược, chú trọng đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe do cơ sở kinh doanh, trường hợp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe không có nguồn gốc xuất xứ hợp lệ, cần phối hợp với ngành y tế xác minh nguồn gốc, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
+ Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện các sai phạm, phối hợp với các cơ quan quản lý về thông tin, truyền thông tại địa phương xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Sở Y tế:
+ Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
+ Phối hợp với Sở Công Thương (hoặc các đơn vị có chức năng tương đương) và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trưởng.
+ Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
+ Rà soát các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trường hợp có khó khăn, bất cập, đề nghị khẩn trương phản ánh về các cơ quan chức năng để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi.
+ Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
24
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN