
Dự kiến cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam (Hình từ Internet)
Ngày 15/04/2025 Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025.
Dự kiến cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Trong đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định việc tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để áp dụng hiệu quả trong quá trình giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 47/TTr-BTP ngày 10/4/2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nhân, những người Việt Nam ở nước ngoài có tấm lòng hướng về quê hương, đất nước; tiếp tục nghiên cứu kế thừa, hoàn thiện nguyên tắc một quốc tịch phù hợp với tình hình, điều kiện mới trong nước và quốc tế, bảo đảm quyền chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước Việt Nam đối với quốc tịch Việt Nam;
- Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật;
- Tiếp tục rà soát để quy định thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật liên quan; quy định về một số điều kiện, tiêu chí cơ bản, mang tính nguyên tắc đối với trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam bảo đảm đơn giản hơn, thiết thực, phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế; bảo đảm chính sách về quốc tịch không bị lợi dụng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Thống nhất quy định nguyên tắc về việc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện;
- Thống nhất bổ sung quy định về điều kiện quốc tịch (khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật) và bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật);
Đồng thời, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15/4/2025.
- Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền
10
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN