
Đẩy nhanh tiến độ trình duyệt và triển khai hiệu quả quy hoạch điện (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 10/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ trình duyệt và triển khai hiệu quả quy hoạch điện
Cụ thể, tại Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2025, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, cụ thể:
* Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:
(1) Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm dần lợi thế dựa vào chi phí thấp, ưu đãi thuế, phát triển các cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị.
(2) Tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững.
* Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
(1) Đẩy nhanh tiến độ trình duyệt và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện lớn, lưới điện quan trọng, tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào (trường hợp thiếu điện thì Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm).
(2) Theo dõi sát diễn biến thị trường, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động các giải pháp điều hành, cân đối cung cầu xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
* Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, đột phá (kể cả các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù (nếu cần)), cơ chế “luồng xanh” cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Mục tiêu cụ thể trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điện
Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII).
Cụ thể, tại Quyết định 768/QĐ-TTg năm 2025, Thủ tướng đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:
- Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050:
+ Điện thương phẩm: Năm 2025 khoảng 335,0 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1 - 1.254,6 tỷ kWh.
+ Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2025 khoảng 378,3 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 567,0 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.224,3 - 1.378,7 tỷ kWh.
+ Công suất cực đại: Năm 2025 khoảng 59.318 MW; năm 2030 khoảng 90.512 MW; đến năm 2050 khoảng 185.187 - 208.555 MW.
- Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
(2) Về chuyển đổi năng lượng công bằng:
- Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
- Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
- Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
(3) Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo:
- Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
- Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Xem thêm Nghị quyết 77/NQ-CP ban hành ngày 10/4/2025.
16