
Lý giải của Bộ Công an về đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 trên 18 tội danh hiện nay (Hình từ internet)
Ngày 02/04/2025, Bộ Công an có Tờ trình 55/TTr-BCA dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gửi Chính phủ.
Lý giải của Bộ Công an về đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 trên 18 tội danh hiện nay
Theo nội dung tại Tờ trình 55/TTr-BCA năm 2025, khi xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thì Bộ Công an đã đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 05 tội danh:
- Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự).
- Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114 Bộ luật Hình sự).
- Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194 Bộ luật Hình sự).
- Tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250 Bộ luật Hình sự).
- Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421 Bộ luật Hình sự).
Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354).
Như vậy, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đang áp dụng hiện hành.
Lý giải về việc đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 trên 18 tội danh, Bộ Công an đã nêu cơ sở thực tiễn về hình phạt tử hình hiện hành còn nhiều bất cập, cụ thể:
(1) Các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.
Ví dụ: các tội sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy tại khoản 4 Điều 248, Điều 250, Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đều quy định phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu khối lượng ma túy từ 100 gam Heroine, Cocaine, Mathaphetamine,... trở lên.
(2) Theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như: Tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ”…
(3) Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình
Trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình với những đối tượng này.
(4) Về thời hiệu thi hành án tử hình
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án tại Điều 60, theo đó khi hết thời hạn quy định, người bị kết án không phải chấp hành về bản án đã tuyên, đối với các trường hợp xử phạt tử hình thì thời hiệu thi hành bản án là 20 năm. Nhưng Bộ luật không có quy định sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình có được chuyển xuống hình phạt khác như: tù chung thân, phạt tù có thời hạn hay được trả tự do và chưa có thủ tục chuyển hình phạt.
Thực tế, có 17 bị án bị giam hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được thi hành án, gây lúng túng cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay Điều 60 Bộ luật Hình sự hiện hành, cho hay không cho các bị cáo hưởng thời hiệu.
Trên đây là nội dung lý giải của Bộ Công an về đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 trên 18 tội danh hiện nay.
Xem thêm nội dung tại Tờ trình 55/TTr-BCA ngày 02/04/2025 và dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Đề xuất các hình phạt đối với người phạm tội theo dự thảo Bộ luật Hình sự mới
Tại Điều 32 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đề xuất các hình phạt đối với người phạm tội như sau:
(1) Hình phạt chính bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Cải tạo không giam giữ;
- Trục xuất;
- Tù có thời hạn;
- Tù chung thân;
- Tù chung thân không xét giảm án (bổ sung mới);
- Tử hình.
(2) Hình phạt bổ sung bao gồm:
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Cấm cư trú;
- Quản chế;
- Tước một số quyền công dân;
- Tịch thu tài sản;
- Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
- Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.;
- Cấm nhập cảnh (bổ sung mới);
- Giám sát điện tử (bổ sung mới);
(3) Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
159
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN