
Công văn 1426: Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 ngành giáo dục (Hình từ Internet)
Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 1426/BGDĐT-HSSV ngày 01/4/2025 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025.
 |
Công văn 1426/BGDĐT-HSSV |
Công văn 1426: Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 ngành giáo dục
Thực hiện Công văn 1661/CV-BCĐTƯATTP ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; nhằm tiếp tục triển khai và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Chủ động phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 từ ngày 15/4/2025 đến 15/5/2025 với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học về lựa chọn thực phẩm lành mạnh và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trường học.
- Các cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú, căng tin và các dịch vụ ăn uống khác trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định. Triển khai hiệu quả Hướng dẫn của Bộ GDĐT về công tác tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh.
- Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.
- Tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn bán trú để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và gửi báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 20/5/2025 theo địa chỉ: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Học sinh, sinh viên), số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bản mềm gửi theo địa chỉ email: [email protected]
Xem thêm tại Công văn 1426/BGDĐT-HSSV ban hành ngày 01/4/2025.
Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Điều 3 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau:
- Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
33
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN