
Đề xuất mới: Cán bộ công chức xã thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hình từ internet)
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó, có đề xuất về việc cán bộ công chức xã thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 |
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) |
Đề xuất mới: Cán bộ công chức xã thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Cụ thể, tại Điều 46 dự thảo Luật quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019) kể từ ngày Luật này có hiệu lực thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
- Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý đội ngũ công chức theo vị trí việc làm trong thời hạn 05 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực. Trong thời gian 05 năm, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, nếu dự thảo Luật được thông qua, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định cũ sẽ thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Nội vụ đề xuất không phân biệt cán bộ công chức cấp xã với cấp tỉnh, cấp trung ương
Dự thảo luật sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Theo đó, dự thảo Luật đã bỏ Chương V về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Rà soát các quy định về thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó không tiếp tục quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong dự thảo Luật.
Bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính liên tục trong công tác cán bộ để không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp ngay khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, dự thảo Luật đã đề xuất khái niệm cán bộ, công chức như sau:
- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp cơ sở), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
935
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN