
Đã có dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) (Hình từ internet)
Đã có dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi)
Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
 |
dự thảo Luật |
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 Chương, 47 Điều, cụ thể:
- Chương 1: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6);
- Chương 2: Đạo đức công vụ, quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức (từ Điều 7 đến Điều 9);
- Chương 3: Vị trí việc làm (từ Điều 11 đến Điều 14);
- Chương 4: Cán bộ (từ Điều 15 đến Điều 18);
- Chương 5: Công chức (gồm 5 mục, từ Điều 19 đến Điều 34);
- Chương 6: Xử lý kỷ luật (từ Điều 35 đến Điều 39);
- Chương 7: Quản lý cán bộ, công chức (từ Điều 40 đến Điều 44);
- Chương 8: Điều khoản thi hành (từ Điều 45 đến Điều 47).
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi)
* Sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở)
- Sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức (Điều 1), theo đó không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời quy định cán bộ, công chức thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở[1].
- Bỏ Chương V về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật CBCC hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
- Rà soát các quy định về thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó không tiếp tục quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong dự thảo Luật.
Bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính liên tục trong công tác cán bộ để không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp ngay khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (Điều 46).
* Sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Cụ thể:
- Bổ sung Chương III quy định về riêng nội dung về Vị trí việc làm gồm 4 điều (từ điều 11 đến điều 14) về khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm.
- Bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài (khoản 7 Điều 14; khoản 3 Điều 23).
- Bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, ”tình trạng công chức suốt đời”, cơ chế đào thải không đủ mạnh; bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ Đảng, đất nước và Nhân dân (Điều 13, Điều 14, Điều 26).
* Hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu
Sửa đổi quy định tại Điều 5 dự thảo Luật để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai thực hiện, cụ thể:
- Thứ nhất, thể chế hóa nguyên tắc thực hiện cơ chế kết hợp công – tư về nhân lực theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW để thu hút tối đa các chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng từ khu vực tư vào làm việc trong các cơ quan trong hệ thống chính trị; đồng thời có chính sách trọng dụng nguồn nhân lực trong hệ thống từ đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực nổi trội, có kết quả công việc thể hiện bằng thành tích, sản phẩm cụ thể đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và cho sự phát triển của đất nước.
- Thứ hai, thực hiện chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao, xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để tận dụng kinh nghiệm, chất xám, thành quả tiên tiến để tiếp tục hoàn thiện chế độ công chức, công vụ, hướng tới một nền công vụ hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả với mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Thứ ba, tiếp tục giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và của địa phương để ban hành chính sách vượt trội thu hút người có tài năng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
874