Chậm thi hành phải nộp tiền
Sáng 21/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về
dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự với nhiều
nội dung quan trọng.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết để tăng
cường tính răn đe của pháp luật, khắc phục tình trạng người phải thi hành án
trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, Dự thảo Luật bổ sung quy định đối
với nghĩa vụ thi hành án về tiền.
“Cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải thi hành án
phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản
án, quyết định, kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án
hoặc người được người thi hành án ủy quyền xác minh người phải thi hành án có
điều kiện thi hành án”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ.
Lý giải về điều này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng
một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng trong thời gian qua
là do nhiều trường hợp người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng
không tự nguyện, cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình.
Trong khi đó, theo pháp luật xử lý vi phạm hành
chính, mức phạt hành chính đối với hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành
án trong trường hợp có điều kiện thi hành án là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000
đồng.
Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với những trường
hợp phải thi hành án khoản tiền lớn.
Do đó, để tăng cường tính răn đe của pháp luật, đồng
thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bản án, quyết định của Tòa án, góp phần
hạn chế tình trạng án tồn đọng.
“Việc bổ sung quy định về khoản tiền chậm thi hành án
như ý kiến đề xuất là hợp lý”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng lượng án tồn đọng
rất lớn, nhất là những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình
tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để
tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức,
kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Từ thực tế này, dự thảo Luật bổ sung thêm các trường
hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Theo đó, người phải thi hành án không có tài sản để
thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí
cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử
lý để thi hành án; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống
tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ; các trường hợp bị thiên
tai, lũ lụt mà người phải thi hành án không còn tài sản; không xác định được
địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, dự thảo Luật bỏ điều kiện phải thi hành
được một phần nghĩa vụ thi hành thì mới được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án và nâng mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách
nhà nước
Dự thảo Luật bổ sung quy định về xã hội hóa trong
hoạt động THADS, theo đó Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã
hội hóa trong hoạt động THADS.
Người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định
của pháp luật có thể được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để tổ chức thi hành
án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc thi hành án theo
ủy quyền của Chấp hành viên, cơ quan THADS.
Khi thực hiện việc thi hành án, người được bổ nhiệm
theo quy định nêu trên có nghĩa vụ như Chấp hành viên và có một số quyền hạn
của Chấp hành viên.
Trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy
động lực lượng để thi hành án thì phải có quyết định phê duyệt của Thủ trưởng
cơ quan THADS.
Nhiều bất cập
Báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư
pháp Hà Hùng Cường nhận định bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi
hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí
yếu kém.

Công tác thi hành án dân
sự còn nhiều bất cập, hạn chế
Một số bất cập nổi lên đó là kết quả THADS có tăng
lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững (năm 2013 đạt thấp hơn so
với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của
Quốc hội).
Bên cạnh đó, lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số
việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013
còn tồn 239.144 việc và trên 41.597 đồng, tăng so với năm 2012).
Bên cạnh đó, việc phân loại án ở một số cơ quan thi
hành án dân sự vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều
kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết
định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không.
“Việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn
chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án,
quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của
Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều
trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường
cho biết thêm.
Phạm Thịnh
Theo VTC News
7,231
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN