Theo đó, công dân được phát phiếu thu thập thông tin dân cư
gồm 32 danh mục phải điền vào như tên, số điện thoại, email, đặc điểm cá nhân
(nhóm máu, bệnh tật, dị tật.....), học vị, tóm tắt về bản thân năm 14 tuổi,
thành phần gia đình...
“Thu thập không thiếu thông tin gì”
Ông
Ngô Hải Phan, cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, cho biết
gia đình ông đã nhận được phiếu yêu cầu cung cấp thông tin này: “Với chức
năng được giao, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ Công an xem xét vấn đề
này và sẽ kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan. Trên cơ sở các thông tin đã
được Bộ Công an cập nhật kho dữ liệu về dân cư, Bộ Tư pháp thực hiện việc hướng
dẫn người dân khai thác dữ liệu về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành
chính”. |
Bà Ngô Thị Lan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Cách đây
ít ngày tôi được tổ trưởng dân phố đến nhà đưa phiếu bảo điền thông tin rồi nộp.
Tôi hơi phân vân một chút là phiếu này do đơn vị nào thực hiện, họ lấy thông
tin cá nhân của mình để làm gì vì thường khi thu thập thông tin của cá nhân phải
có lý do gì đó, do ai thực hiện?”.
Tại cuộc họp báo sáng 17-10, nhiều phóng viên cũng đặt câu hỏi
về vấn đề này đối với Bộ Tư pháp. Ông Lê Sơn (Cổng thông tin điện tử Chính phủ)
cho biết: “Tôi thấy công an phát phiếu thu thập không thiếu một thông tin gì. Phiếu
thông tin này còn kỹ hơn cả phiếu sơ yếu lý lịch khai ở phường. Tôi không biết
những thông tin này phục vụ cái gì? Nếu thông tin bị lọt ra ngoài thì sao? Công
an đã xin ý kiến các cấp chưa mà lại tiến hành? Ai lại đi khai thác thông tin của
công dân không thiếu cái gì cả. Tôi muốn biết mục tiêu cuối cùng là công an muốn
quản lý cái gì?”.
Được biết, theo nghị định 90 của Chính phủ (quy định cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) thì thông tin của công
dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm 22
danh mục. Các thông tin này sẽ được bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Cơ sở dữ
liệu này được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan,
tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp kịp thời thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ
công tác quản lý nhà nước. Trên cơ sở dữ liệu mà Bộ Công an xây dựng, Bộ Tư
pháp sẽ triển khai đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho công dân. Tuy nhiên,
phiếu thông tin mà Công an Hà Nội phát cho công dân có đến 32 danh mục.
Kết hợp cả nghị định và luật?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Vũ Xuân Dung - cục
trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ
Công an - cho biết cục không biết chuyện Hà Nội tổ chức thu thập 32 thông tin
cá nhân của công dân và cũng chưa thấy báo cáo về vấn đề này. Cục sẽ xem xét việc
này sau khi có thông tin đầy đủ.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Phấn - phó trưởng Phòng cảnh sát
quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Hà Nội - lý giải việc tiến hành
thu thập 32 thông tin cá nhân của công dân là triển khai thu thập kết hợp cả
yêu cầu về quản lý hộ khẩu theo Luật cư trú và theo nghị định 90. Việc thu thập
này được tiến hành tổng thể, làm luôn một lần đầy đủ để tránh việc thiếu thông
tin sau này.
Theo ông Phấn, việc thu nhập các thông tin này nhằm kết nối
các ngành với nhau trong tương lai. Cụ thể, tới đây Công an Hà Nội sẽ kết nối với
các cơ quan tài chính, bảo hiểm nên để kết nối được, quản lý theo một loại giấy
tờ phải có đủ thông tin. Như vậy, sau này thông tin trên chứng minh nhân dân có
thể sử dụng chung cho thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu... Trả lời câu hỏi vì sao
không thu thập thông tin tại các cơ quan có liên quan, ông Phấn cho biết các cơ
quan này chưa có và chưa đầy đủ thông tin để thu thập. Đối với vấn đề bảo mật,
ông Phấn cho rằng những thông tin này không phải bắt buộc khai báo, ai có thì
ghi mà không có thì thôi, nhưng nếu có sẵn thì khi kết nối thông tin giữa các
ngành thuận tiện hơn, nhất là cho công tác cải cách hành chính. Còn khi đã thu
thập xong, đưa vào hệ thống thì ông Phấn khẳng định không phải ai cũng tra cứu
được tất cả thông tin mà có quy định cụ thể, chỉ có thể tra cứu một phần thông
tin.
Minh Quang - Tâm Lụa
Theo Tuổi Trẻ
2,379
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN