 |
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng. Ảnh: T.D |
-
Ông đánh giá thế nào khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, con
số 451 cán bộ, đảng viên nộp lại quà biếu trị giá gần 1,8 tỷ đồng trong 5
năm qua không phản ánh đúng thực trạng?
- Trong quyết định số 64/2007 ban hành quy chế về việc
tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn
vị có giải pháp từ chối nhận hối lộ, quà biếu. Số trường hợp từ chối
nhận quà chúng tôi không đưa vào báo cáo. Giữa nộp lại với từ chối người
ta phải lựa chọn từ chối là tốt nhất, văn hóa nhất. Cực chẳng đã không
thể từ chối được thì người ta nộp lại quà và con số đó là ít. Mặc dù thế
giới đánh giá hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham
nhũng là tương đối tốt nhưng thực tế cần được sửa đổi, bổ sung hoàn
thiện.
- Tại sao vẫn chưa thể ban hành cách quản lý hiệu quả thu nhập, tránh tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên có dấu hiệu bất minh?
- Trong thực tế, kiểm soát thu nhập toàn xã hội hiện
nay chưa tốt. Ví dụ, các nước quản lý thuế rất chặt và bảo hiểm tài sản.
Còn ở Việt Nam cách quản lý này chưa được thì phải làm dần dần. Công
tác phòng chống tham nhũng trong 5 năm qua có những bước tiến rất quan
trọng. Theo cách đánh giá của PRS (Country Risk Guide), nước nào một năm
được 0,3 điểm trở lên nghĩa là đã có bước chuyển biến quan trọng, và
Việt Nam tăng từ 2,6 lên 2,9 điểm.
- Vậy việc công khai tài sản, thu nhập nên bắt đầu thế nào, nhất là với người đứng đầu?
- Theo Nghị quyết của Đảng, tất cả người có nhiệm vụ
phải kê khai thì đều phải kê khai, niêm yết tại nơi cư trú và nơi công
tác, không có ngoại lệ. Nghị quyết Trung ương 3 quy định công khai ở nơi
công tác, còn Nghị quyết Trung ương 4 quy định công khai cả ở nơi cư
trú nên rõ ràng đây là bước tiến.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng thì cán bộ, đảng viên
phải công khai thu nhập, tài sản trong chi bộ mà mình là chi ủy viên,
cần gì chờ hướng dẫn. Chỉ cán bộ không phải là Đảng viên mới cần hướng
dẫn.
- Ông nghĩ sao khi người dân cho rằng việc kê khai tài sản hiện nay chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả?
- Kê khai chưa hiệu quả hoặc có chỗ nói còn hình thức
không phải ở trách nhiệm giải trình mà ở chỗ kiểm tra tính trung thực
của bản kê khai đó như thế nào. Hiện, trong luật phòng chống tham nhũng
có những chế định kiểm tra xác minh nhưng ràng buộc điều kiện hơi bị
chặt nên tới đây trong đề xuất của Chính phủ sẽ phải xem lại điều kiện
này.
Ví dụ, quy định giao quyền cho người có thẩm quyền
quản lý cán bộ chủ động thẩm tra, xác minh để đánh giá kê khai đó trung
thực hay không. Nếu cán bộ công chức trong diện phải quan tâm có khoảng
50 người nhưng chỉ 2-3 người có nghi ngờ về việc kê khai thì thủ trưởng
cơ quan có thể chủ động xác minh những người đó. Kê khai trung thực, kết
quả xác minh cũng trung thực thì phải bảo vệ người ta nhưng nếu kết quả
không trung thực thì phải xử lý.
- Vậy khi nào sẽ thực hiện việc giải trình đối với những tài sản gia tăng bất thường?
- Trách nhiệm giải trình ở đây là theo nghĩa rộng. Là
người nhân danh quyền lực thì phải có trách nhiệm giải trình với những
việc làm tốt và chưa tốt. Nghị định đó hiện giao cho Viện Khoa học Thanh
tra xây dựng, khi chất lượng tốt sẽ trình Chính phủ thảo luận, bàn bạc.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 đã đề ra giải pháp
giải trình tài sản tăng thêm. Vừa rồi, Chính phủ cũng đã đồng ý việc
phải sớm luật hóa, nhưng hiện trong luật phòng chống tham nhũng chưa có
nên trong dự thảo báo cáo của Chính phủ có giải pháp này.
Hướng xử lý tài sản mà cán bộ, đảng viên không giải
trình được sẽ được thảo luận cụ thể chứ chưa thể trả lời ngay bởi điều
này còn liên quan đến tài sản cá nhân, tính hình sự của vụ việc.
- Vậy Thanh tra Chính phủ công khai tài sản như thế nào?
- Tôi công khai ở chi bộ của mình. Cán bộ, nhân viên
có nguyện vọng muốn biết thu nhập tài sản của đảng viên nào chúng tôi
cũng sẽ cung cấp. Thực ra, chỉ đề cập đến những biến động tài sản thôi
chứ làm cùng nhau ôtô bao nhiêu chiếc, nhà mấy cái người ta biết hết chứ
có phải cứ công khai mới biết đâu.
Tiến Dũng ghi
2,556
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN