Bộ Tài chính thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao và kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đối với xe máy từ ngày 1-1-2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy.
Ảnh
minh họa
Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ đồng thời
gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy gặp nhiều
khó khăn, hiệu quả không cao và kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đối với xe
máy từ ngày 1-1-2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy như kiến nghị
của hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương trước đó.
Cụ thể, Bộ Tài chính nhận định: thực tế việc triển khai
thu phí đối với môtô (gồm môtô và xe máy) gặp nhiều khó khăn do: môtô là tài
sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt
buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe
(sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa
phương khác sử dụng. Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không
chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm
của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.
Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT đề nghị Chính
phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với môtô kể từ ngày 1-1 -2016 và giao Bộ
GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ
sung nghị định 18/2012/NĐ-CP và nghị định số 56/2014/NĐ- CP về Quỹ Bảo trì
đường bộ theo hướng không thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô.
Trước đó vào tháng 7-2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La
Thăng - chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương - đã có văn
bản gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng
đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô từ ngày 1-1-2016. Đồng thời
kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác
có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi nghị định số 18/2012/NĐ-CP của
Chính phủ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô.
Tuấn Phùng
Theo
Tuổi trẻ
3,013
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN