GS-TS Nguyễn Ngọc Hòa (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho hay theo BLHS
hiện hành, chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được bộ luật này quy định
mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, chỉ có BLHS mới được xác định, mô
tả, đặt tội danh cho những hành vi nguy hiểm cho xã hội và cũng chỉ có BLHS mới
được quy định hình phạt cho các tội phạm.
Để kịp thời xử lý hành vi nguy hiểm
Điều này đã khiến các luật chuyên ngành khác như Luật Phòng, chống
ma túy, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật
Phòng, chống khủng bố… chỉ có thể chỉ dẫn tới BLHS trong trường hợp xác định
hành vi nguy hiểm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Các luật này chỉ
có thể nói chung chung là “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ
luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự”… bởi không được quy định về tội danh,
hình phạt. Do vậy, đã có những hành vi nguy hiểm trong các lĩnh vực chuyên
ngành nhưng không thể xử lý hình sự vì không có tội danh tương ứng trong BLHS.
Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội, người có hành vi vi phạm
quy định của luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng trong BLHS
lại không có tội danh nào tương ứng để xử lý.
Theo GS Hòa, xã hội sẽ luôn phát sinh những dạng hành vi nguy hiểm
mới cần được ngành luật hình sự ghi nhận kịp thời. Điều này khó bảo đảm nếu vẫn
quan niệm nguồn luật hình sự chỉ là BLHS vì chúng ta không thể liên tục sửa
đổi, bổ sung bộ luật. Còn nếu liên tục sửa đổi, bổ sung thì tính ổn định của
BLHS sẽ bị phá vỡ.

Hiện nay, chỉ có BLHS mới được quy định về tội
phạm và hình phạt. Ảnh minh họa: T.LỘC
Từ đó, GS Hòa khuyến nghị nên xác định BLHS
chỉ là “hạt nhân” của nguồn luật hình sự. Xung quanh “hạt nhân” này là các luật
thuộc tất cả lĩnh vực có thể phát sinh hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ
đáng coi là tội phạm. Như thế, nguồn luật hình sự gồm BLHS, các bộ luật và luật
chuyên ngành có quy phạm pháp luật hình sự.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Chí (khoa Luật Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng
tình: “Nếu có nguồn mở thì pháp luật hình sự sẽ đáp ứng được yêu cầu phòng,
chống tội phạm, tránh tình trạng một hành vi nguy hiểm có thể tồn tại hàng chục
năm mà vẫn chưa đưa được vào BLHS”.
Dễ tùy tiện, gây hậu quả khó lường
Theo ông Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật), nhiều nước
trên thế giới cũng đã áp dụng nguồn mở cho luật hình sự như Thụy Điển, Trung
Quốc... Ở nước ta, đã có một thời gian dài trước khi BLHS 1985 ra đời, nguồn
của luật hình sự nằm rải rác ở các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, việc mở rộng
nguồn luật hình sự trong bối cảnh hiện nay ở nước ta là chưa phù hợp. Bởi lẽ chỉ
có BLHS mới được quy định về tội phạm và hình phạt vì hậu quả pháp lý đối với
người bị áp dụng rất nặng nề (hạn chế quyền công dân, tước quyền tự do, thậm
chí là quyền sống). Bất cứ sự tùy tiện nào trong việc quy định cũng như áp dụng
tội phạm và hình phạt đều gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Chưa kể, theo ông Hưng, chúng ta đang kêu ca về “bốn không” của
luật chuyên ngành: Không khả thi, không thống nhất, không chặt chẽ, không ổn
định. Hơn nữa, căn bệnh cố hữu của các đạo luật ở Việt Nam là khả năng áp dụng trực
tiếp rất kém: “Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư”… “Như vậy, tội phạm
và hình phạt thực chất lại do các văn bản dưới luật quy định sẽ khiến nhiều
người không an tâm” - ông Hưng nói.
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cũng cho
rằng việc mở rộng nguồn luật hình sự có hai mặt: Nó có thể đáp ứng kịp thời
việc tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm đến mức phải truy cứu trách nhiệm
hình sự, không cần phải chờ cho đến khi sửa BLHS. Nhưng nếu kỹ thuật lập pháp
không tốt sẽ dẫn đến tình trạng các cơ quan xây dựng luật thoải mái đặt ra quy
định về tội phạm và hình phạt, làm cho pháp luật hình sự trở nên tùy tiện, gây
ra những hậu quả pháp lý không ngờ cho người bị áp dụng.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TAND Tối cao) Ngô Cường nhận xét:
Nhiều nước trên thế giới quy định được tội phạm và hình phạt ở các luật chuyên
ngành là nhờ cơ chế xây dựng pháp luật của họ rất rõ ràng, hoàn toàn do Quốc
hội đảm nhiệm. “Ở nước ta, để có thể mở rộng nguồn luật hình sự thì trước hết
phải đưa công tác xây dựng luật về Quốc hội. Khi đó, việc xây dựng luật sẽ
tránh được tình trạng lợi ích nhóm và xu hướng tạo sự dễ dàng cho các cơ quan
quản lý” - ông Cường nói.
Sẽ
có cả trăm “BLHS con” Hệ thống pháp luật Việt
Nam có tới sáu bộ luật và gần 100 luật chuyên ngành. Nếu bộ luật, luật nào
cũng quy định về tội phạm thì Việt Nam sẽ có tới cả trăm “BLHS con”. Pháp luật
hình sự sẽ như mớ bòng bong, rất khó áp dụng, dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. Theo tôi, đề xuất mở rộng
nguồn luật hình sự với lý do để đảm bảo tính ổn định của BLHS hay việc ban
hành mới, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành đơn giản, dễ làm hơn sửa đổi, bổ
sung BLHS là không thỏa đáng. Việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung một quy
định về hình sự trong luật chuyên ngành cũng chẳng khác gì bổ sung, sửa đổi
trong BLHS cả. Vấn đề “mở” hay “đóng” nguồn luật hình sự cần phải có sự xem
xét, đánh giá thận trọng để tránh tình trạng đi đâu, làm gì, ở đâu cũng có thể
“bắt gặp tội phạm”. Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Đoàn Luật sư TP
Hà Nội |
Chân Luận
Theo Pháp luật TP.HCM
16,445
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN