Ngày 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)
họp cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Trưng
cầu ý dân.
Không trưng cầu thì lấy ý kiến nhân dân
Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) - cơ quan
thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân - cho biết Hiến pháp 2013 đã quy định quyền
quyết định trưng cầu ý dân là của QH; chính quyền địa phương không có thẩm
quyền này. Mặt khác, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, những vấn
đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất
nước, có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Vì vậy, UBTVQH đề nghị quy định trưng cầu ý
dân trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.
Về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng
cầu ý dân, Thường trực UBPL đề nghị là UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, đại
biểu QH. Theo đó, khi có từ 1/3 số đại biểu QH trở lên kiến nghị QH quyết định
việc trưng cầu ý dân thì UBTVQH chuẩn bị tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc
trưng cầu ý dân để trình QH xem xét, quyết định.
Có ý kiến khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Ksor Phước nêu thực tế một số địa phương tranh chấp về địa giới hành chính,
thậm chí có nơi qua 3 nhiệm kỳ QH vẫn chưa giải quyết được. “Không quy định tổ
chức trưng cầu ý dân ở địa phương thì rất khó giải quyết” - ông Phước băn
khoăn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Trưng cầu
ý dân thì thực hiện trên phạm vi toàn quốc nhưng nên đưa vào luật này một số
điều khoản về lấy ý kiến nhân dân vì lâu nay chúng ta vẫn lấy ý kiến nhân dân
nhưng chưa có luật thống nhất”.

Chủ tịch
QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đưa vào Luật Trưng cầu ý dân một số điều khoản về lấy
ý kiến nhân dân Ảnh: TTXVN
Phân định rõ
nội dung trưng cầu
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc
phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định để bảo đảm luật được thực hiện trong
thực tiễn thì cần xác định những nội dung được đưa ra trưng cầu ý dân. “Viết
chung chung như dự luật thì không khác gì trong Luật Tổ chức QH hiện hành, rất
khó thực hiện” - ông Khoa nhận xét.
Phó trưởng Ban Nội chính
Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng nội hàm của trưng cầu ý dân không đặt ra
vấn đề phúc quyết mà là QH làm theo ý dân. “Như dự thảo quy định thì không rõ
dân có quyền gì và QH có quyền gì trong trưng cầu ý dân. Do đó, cần đưa ra các
nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền QH và QH chủ động đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Nhóm
thứ 2 do các chủ thể đưa ra, khi thẩm định đủ điều kiện thì QH quyết định đưa
ra trưng cầu” - ông Khánh đề xuất.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh
Hùng cho rằng có 3 nhóm vấn đề để QH xem xét quyết định trưng cầu ý dân, đó là:
Quốc phòng an ninh, đối ngoại; những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền
XHCN, nền dân chủ nhân dân; những vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng
đến quốc kế dân sinh.
Thường trực UBPL tán
đồng phương án trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên
trong danh sách đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp
lệ tán thành được công bố để thi hành.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH
Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị khi có 2/3 số cử tri
trở lên đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân được coi là có giá trị. Sau đó,
phương án được hơn một nửa số cử tri bỏ phiếu tán thành là phương án cuối cùng.
Lấy
phiếu tín nhiệm với thẩm phán TAND Tối cao Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH
và HĐND. Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề xuất
thực hiện cả với Thẩm phán TAND Tối cao vì 15 thẩm phán trong Hội đồng Thẩm
phán là do QH phê chuẩn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mặc dù Thẩm phán TAND
Tối cao do QH phê chuẩn nhưng lại là chức danh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn,
không phải chức vụ nên không cần lấy phiếu tín nhiệm. Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý đề nghị làm rõ Thẩm phán TAND Tối cao là
chức vụ hay chức danh. Nếu chức vụ thì xem xét bổ sung vào đối tượng cần lấy
phiếu tín nhiệm. |
Thế Dũng
Theo Người lao động
2,530
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN