Chiều 29/7, dù còn một số ý kiến không đồng
tình nhưng HĐND TP HCM đã nhất trí thông qua tờ trình về phương án thu lệ phí cấp
mới giấy đăng ký kèm theo biển số cho ôtô trên địa bàn. Theo đó, từ đầu tháng
9, phí đăng ký ôtô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) không hoạt động kinh doanh vận
tải hành khách có mức tăng cao nhất, từ 2 lên 11 triệu đồng mỗi lần cấp.
Ngoài ra, sơmi rơmoóc đăng ký rời,
rơmoóc (xe container) tăng từ 100.000 lên 150.000 đồng; xe máy trị giá từ
15 triệu đồng trở xuống, mức phí đăng ký tăng từ 500.000 lên 750.000 đồng; xe
máy trên 15 triệu đến 40 triệu đồng mức phí đăng ký tăng từ 1 lên 1,5 triệu;
xe máy hơn 40 triệu đồng tăng từ 2 lên 3 triệu đồng.
Riêng ôtô (trừ ôtô dưới 10 chỗ ngồi
không hoạt động kinh doanh vận tải) không tăng mức phí đăng ký, vẫn giữ mức
150.000 đồng một xe.

HĐND TP HCM biểu quyết nhất trí thông
qua tờ trình về tăng mức phí đăng ký ôtô lần đầu lên gấp 5 lần hiện nay. Ảnh: Hữu
Công.
Trước đó trong phần thảo luận đại biểu
Lâm Thiếu Quân cho rằng, nếu thu phí cao hơn thì số tiền đó cũng vào ngân sách
và nộp cho trung ương chứ không giúp giảm ùn tắc giao thông. Mục tiêu giảm ùn tắc
chỉ thực hiện được nếu chúng ta dùng số tiền đó để đầu tư ngược lại để phát triển
vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
"Hơn nữa, 10 triệu đồng đối với một
ôtô trị giá cả tỷ đồng thì không vì thế mà người ta thôi mua ôtô nên không thể
thực hiện được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân như tờ trình của UBND TP đánh
giá", ông Quân nói và đề nghị cứ thu theo mức tối thiểu hiện nay để đúng với
bản chất của loại phí này là phí quản lý giao thông, không liên quan gì đến sở
hữu.
Còn đại biểu Vương Đức Hoàng Quân thì lo
ngại: "Khi TP HCM tăng phí đăng ký ôtô liệu có dẫn đến tình trạng các chủ
sở hữu sẽ đăng ký tại các tỉnh lân cận rồi đưa xe lên thành phố hay không. Khi
đó, chúng ta vừa bị thất thu lại không thể đạt được mục đích giảm ùn tắc",
ông Quân nêu ý kiến.
Trước những chất vấn của đại biểu, Giám
đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết, mức phí này được đưa ra là con số
trung bình mức 2-20 triệu mà Thông tư 127 năm 2014 Bộ Tài chính quy định.
"Dù thành phố tăng mức thu phí đăng
ký ôtô dưới 10 chỗ lên gấp 5 lần hiện nay thì cũng mới chỉ bằng 50% ở Hà Nội.
Theo quy định, TP HCM và Hà Nội là đô thị đặc biệt, Hà Nội thu tối đa nhưng
mình chỉ thu mức trung bình", bà Lan nói và cho biết do Công an là đơn vị
thu nên toàn bộ tiền sẽ nộp về ngân sách trung ương. Sau đó, công an thành phố
sẽ lập dự toán chi và trung ương sẽ cấp ngược trở lại.

Dù mức phí đăng ký ôtô dưới 10 chỗ
(không kinh doanh vận tải) lần đầu tại TP HCM từ đầu tháng 9 sẽ tăng lên gấp 5
lần hiện nay nhưng cũng chỉ bằng 1/2 mức thu ở Hà Nội. Ảnh: Hữu Công.
Trước đó trong tờ trình UBND TP cho rằng,
việc thu lệ phí đăng ký xe phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá mức
thu tối đa được quy định tại Thông tư 127 của Bộ Tài chính. Đồng thời mức thu
này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân thành phố, đảm bảo nguồn
thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan và góp phần giảm
thiểu xe cá nhân. Nhưng có khuyến khích đối với xe vận tải công cộng.
TP HCM hiện có khoảng 600.000 ôtô, trong
đó gần một nửa là xe hơi và hơn 6 triệu xe máy. Hạ tầng lại không phát triển
theo kịp dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên.
Hữu Công
Theo Vnexpress
2,337
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN