I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ KHAI THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH
DOANH
1. Đối với
cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1.1 Về việc xác định đối tượng nộp thuế theo
phương pháp khoán
Từ năm 2015
cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân
kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất,
kinh doanh, trừ cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế theo từng lần phát sinh,
cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân làm đại lý bán đúng giá, không phân biệt có
thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ hay không.
1.2. Về việc xác định doanh thu tính thuế có
sử dụng hoá đơn đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Từ ngày 01/01/2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn
của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và
doanh thu trên hoá đơn, không phân biệt hoá đơn sử dụng theo quyển hay hoá đơn
sử dụng lẻ theo từng số.
1.3. Về việc cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh
vực, ngành nghề
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì
cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp
không xác định riêng được từng lĩnh vực, ngành nghề thì cơ quan thuế có thẩm
quyền ấn định doanh thu khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề.
1.4. Về việc điều chỉnh doanh số khoán
Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành
nghề, quy mô, địa điểm, ...) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế
có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về
cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân
kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác
định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu
qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán
thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi
ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh bổ sung theo thực tế của ngành
nghề kinh doanh thay đổi.
2. Đối với
cá nhân cho thuê tài sản
2.1. Về việc xác định đối tượng khai thuế
- Cá nhân
cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, hoặc
- Bên thuê
tài sản khai và nộp thuế thay nếu trong hợp đồng có thoả thuận bên thuê là
người nộp thuế.
2.2. Về việc xác định kỳ khai thuế
- Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng, hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng
trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
- Cá nhân cho thuê tài sản được lựa chọn khai thuế theo từng kỳ thanh toán
hoặc khai thuế một lần theo năm, không phải quyết toán thuế đối với doanh thu
cho thuê tài sản.
2.3. Về hồ sơ khai thuế
Theo hướng
dẫn tại điểm b, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì:
Cá nhân cho
thuê tài sản chỉ phải nộp kèm theo tờ khai bản chụp hợp đồng thuê tài sản một
lần duy nhất nếu là lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng.
3. Đối với
cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
3.1. Về việc khấu trừ thuế, khai thuế tại Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng
đa cấp
- Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả tiền hoa hồng cho cá nhân trực tiếp ký
hợp đồng làm đại lý có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập
cá nhân nếu doanh nghiệp xác định số tiền hoa hồng
trả cho cá nhân tại đơn vị trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng. Trường hợp
trong năm cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh từ nhiều nơi và cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên
100 triệu đồng/năm thì có thể uỷ quyền theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với số tiền hoa hồng
nhận được tại đơn vị từ 100 triệu/năm trở xuống.
- Doanh
nghiệp thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý và
không phải khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân
của các cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
3.2. Về việc khai thuế năm
Cá nhân ký
hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp nếu phát sinh thuế
thu nhập cá nhân phải nộp thêm trong trường hợp Công ty xổ số kiến thiết, doanh
nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa khấu trừ thuế do chưa đến
mức phải nộp thuế hoặc trường hợp trong năm cá nhân phát sinh hoạt động kinh
doanh từ nhiều nơi và cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh
thu trên 100 triệu đồng/năm nhưng cá nhân không uỷ quyền cho Công ty XSKT,
DNBH, DN BHĐC khấu trừ và nộp thay thì cuối năm cá nhân có trách nhiệm khai
thuế một lần vào Tờ khai thuế năm.
4. Đối với
xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế
- Cá nhân
kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN nếu có
doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Trường hợp
cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm, hộ gia đình, cá nhân đồng sở hữu tài
sản cho thuê thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá
nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải thuế TNCN được xác định cho một người
đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
5. Đối với
cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức
- Cá nhân
kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp
tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh
doanh thì cá nhân uỷ quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay theo phương
pháp khoán. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo
phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
- Cá nhân
kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp
tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, xác định được doanh thu kinh doanh của
cá nhân thì cá nhân uỷ quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay. Tổ chức có
trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo từng lần phát sinh tại
cơ quan thuế quản lý tổ chức.
II. SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG VỀ QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH DOANH
1. Về công
khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Hàng
năm, Chi cục Thuế có trách nhiệm niêm yết để lấy ý kiến công khai
về doanh thu và mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp
khoán. Việc công khai phải thực hiện 2 lần: lần 1 là mức dự kiến và lần 2 là mức
chính thức.
- Đối với mức thuế khoán đang thực hiện của
năm 2015, chậm nhất là ngày 30/8/2015 Chi cục Thuế thực hiện: niêm yết công
khai Danh sách hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng,
thuế thu nhập cá nhân, Danh sách hộ khoán và mức thuế phải nộp tại bộ phận một
cửa của Chi cục Thuế và Uỷ ban nhân dân quận, huyện và tại cửa, cổng hoặc địa
điểm thích hợp của: trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, trụ sở Đội
thuế, Ban quản lý chợ;... ; gửi tài liệu niêm yết công khai như nêu trên đến
Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn; đồng
thời gửi Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này tới
từng cá nhân kinh doanh. Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD được lập theo hướng dẫn tại tiết a.1
điểm a khoản 9 Điều 6 Thông tư này.
- Từ năm 2016, theo hướng dẫn
tại khoản 5, khoản
9, khoản 10 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì ngoài việc niêm yết công khai tại cơ quan
thuế, UBND, Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, Chi cục Thuế còn phải thực
hiện gửi tài liệu niêm yết công khai như sau:
+ Chi cục Thuế
gửi tài liệu niêm yết công khai lần 1 và lần 2 đến Hội đồng nhân dân và Mặt
trận tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn, đồng thời Chi cục Thuế tổ chức
tiếp nhận ý kiến phản hồi (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh
thu khoán và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.
+ Chi cục Thuế gửi Bảng công khai thông tin cá
nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán lần 1 và lần 2 cho từng cá nhân kinh doanh, đồng thời Chi cục Thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá
nhân kinh doanh (nếu có) để làm ăn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán
và mức thuế khoán của hộ kinh doanh trên địa bàn.
Bảng công
khai gửi cho cá nhân được lập theo địa bàn bao gồm cả cá nhân
thuộc diện phải nộp thuế và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế. Với chợ,
đường, phố, tổ dân phố có từ hai trăm (200) cá nhân kinh doanh trở xuống thì
Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai của các cá
nhân kinh doanh tại địa bàn. Trường hợp chợ, đường, phố, tổ dân phố có trên 200
cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng
công khai của không quá 200 cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Riêng đối với chợ
có trên 200 cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh
doanh Bảng công khai theo ngành hàng.
+ Chi cục
Thuế thực hiện niêm yết công khai lần 2 trước ngày 30 tháng 01 hàng năm tại bộ
phận một cửa của Chi cục Thuế và Uỷ ban nhân dân quận, huyện; và tại cửa, cổng
hoặc địa điểm thích hợp của: trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trụ
sở Đội thuế; Ban quản lý chợ;... đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin
để giám sát của người dân và cá nhân kinh doanh.
2. Về việc
gửi thông báo thuế đến cá nhân kinh doanh
Thông báo
thuế (dự kiến và chính thức) được gửi trực tiếp đến cá nhân kinh doanh, yêu cầu
phải có ký nhận của người nộp thuế về việc đã nhận thông báo hoặc cơ quan thuế
phải thực hiện việc gửi Thông báo qua bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.
3. Về trách
nhiệm của Cục thuế trong việc chỉ đạo, kiểm soát việc xác định doanh thu và mức
thuế khoán của cá nhân kinh doanh tại các Chi cục thuế
- Cục Thuế
có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 20% số
Chi cục Thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh
thu khoán dự kiến, mức thuế dự kiến. Kết quả kiểm tra của Cục Thuế là một trong
những cơ sở để Chi cục Thuế lập và duyệt Sổ bộ thuế cá nhân kinh doanh nộp thuế
khoán.
- Trong tổ
chức thực hiện nhiệm vụ thu, Cục Thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế
tối thiểu 10% số Chi cục Thuế mỗi quý I, quý II, quý III. Kết quả kiểm tra là
căn cứ xây dựng mức doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến cho năm sau và điều
chỉnh doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế
nếu doanh thu thay đổi 50% so với doanh thu khoán.
- Nội dung
kiểm tra thực tế của Cục Thuế quy định tại khoản 8 Điều này gồm: kiểm tra trên
cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm
tra thực tế đối với ít nhất 15% số cá nhân kinh doanh trên địa bàn trong đó tập
trung kiểm tra 100% cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro theo tiêu
chí hướng dẫn tại điểm c khoản 12 Điều 6 Thông tư này.
4. Về một số
nội dung khác trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
- Cá nhân
kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh
nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; trường hợp chưa thành lập doanh
nghiệp, cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đối
với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, đồng thời cơ quan thuế
có trách nhiệm lập danh sách những cá nhân kinh doanh này báo cáo cơ quan quản
lý nhà nước về đăng ký kinh doanh.
- Cơ quan
Thuế có trách nhiệm cấp mã số thuế cho cá nhân kinh doanh dựa trên thông tin
tại hồ sơ khai thuế của cá nhân và thực hiện quy trình quản lý thuế đối với cá
nhân kinh doanh trên ứng dụng quản lý thuế tập trung của ngành thuế.
- Cục Thuế
có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế
theo phương pháp khoán theo từng đối tượng, địa bàn quản lý theo các tiêu chí
rủi ro như:
+ Cá nhân
nộp thuế khoán kinh doanh tại chợ biên giới;
+ Cá nhân
nộp thuế khoán kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản
(cát, đá, sỏi, gỗ, sản phẩm từ gỗ,...);
+ Cá nhân
kinh doanh có mức doanh thu tính thuế bất hợp lý so với chi phí (diện tích kinh
doanh, thuê địa điểm, giá trị tài sản, trang thiết bị, cửa hàng, kho tàng, chi
phí điện, chi phí nước,...); so với số phương tiện vận tải đang sử dụng; so với
số lượng lao động; so với hàng hoá (hàng hoá mua vào, hàng hoá trưng bày, hàng
hoá tồn kho,...);
+ Cá nhân
nộp thuế khoán nhưng thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng không
thành lập doanh nghiệp;
+ Cá nhân
nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế;
+ Cá nhân
nộp thuế khoán có từ hai (02) địa điểm kinh doanh trở lên;
+ Cá nhân
nộp thuế khoán nợ thuế.
- Chi cục
Thuế có trách nhiệm cập nhật kịp thời các thông tin biến động trong quá trình
quản lý đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. Định kỳ đến ngày 01 tháng 11
hàng năm, các Chi cục Thuế, Cục Thuế phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu về cá
nhân kinh doanh nộp thuế khoán (bao gồm cả cá nhân kinh doanh chưa đến ngưỡng
nộp thuế) trên cơ sở thông tin từ hồ sơ của người nộp thuế, kết quả số liệu xác
minh, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế và thông tin từ các cơ quan quản lý
nhà nước liên quan.
- Tổng cục
Thuế hướng dẫn quy trình, trình tự, phương pháp xây dựng và quản lý sử dụng cơ
sở dữ liệu về người nộp thuế khoán theo quy định của Bộ Tài chính để phục vụ
công tác quản lý rủi ro trong kiểm tra, thu thuế.
5. Về uỷ nhiệm
thu thuế đối với hộ kinh doanh
- Tại các
địa bàn chưa thực hiện nộp thuế qua phương thức điện tử, Cơ quan quản lý thuế
uỷ nhiệm cho các tổ chức thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán.
Việc uỷ nhiệm thu thuế phải được thực hiện thông qua hợp đồng giữa Thủ trưởng
cơ quan quản lý thuế với Tổ chức được uỷ nhiệm thu.
Tổ chức được
uỷ nhiệm thu là các đơn vị như: Ban quản lý chợ; Trung tâm thương mại; hoặc các
doanh nghiệp có hệ thống mạng lưới rộng khắp trên cả nước đáp ứng điều kiện
thuận lợi cho cá nhân nộp thuế vào ngân sách nhà nước như: các doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, điện lực,...
- Tổng cục
Trưởng Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện công tác uỷ nhiệm thu thuế thống nhất
trong cả nước theo quy định hiện hành về uỷ nhiệm thu và quy định tại Điều này.
III. SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG KHÁC VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ TNCN
1. Đối với thu nhập không tính vào thu
nhập chịu thuế
1.1. Về
khoản thu nhập từ trợ cấp
Không tính
vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khoản trợ cấp chuyển vùng một
lần đối với người Việt nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về VN làm việc.
1.2. Về
khoản bảo hiểm không bắt buộc không có tích luỹ về phí bảo hiểm
Hướng dẫn cụ
thể trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không
bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả
trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt
động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản
tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập
cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo
hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm tử kỳ có hoàn phí),...
1.3. Về
khoản chi về phương tiện đưa đón người lao động
Khoản chi về
phương tiện đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không
tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
1.4. Về
khoản chi đám hiếu, hỉ cho người lao động và gia đình người lao động
Bổ sung
không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản tiền chi đám hiếu, hỉ cho
bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân
trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.5. Về khoản thu nhập từ lợi tức của doanh
nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên
Không tính
vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Khoản lợi
tức nhận được do góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (cá
nhân) là thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn.
2. Về quy đổi thu nhập chịu thuế ra đồng
Việt Nam
Đối với doanh thu, thu nhập nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi
ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế mua vào tại ngân hàng nơi cá
nhân mở tài khoản giao dịch tại thời điểm phát sinh thu nhập. Trường hợp cá
nhân không mở tài khoản giao dịch tại Việt nam thì quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ
mua vào của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm
phát sinh thu nhập.
3. Về việc tính thuế đối với khoản tích
luỹ bảo hiểm do người sử dụng lao động mua cho
người lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động mua cho
người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo
hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm thì đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp
bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí
tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ
ngày 01 tháng 7 năm 2013. Trường hợp khoản phí tích luỹ được trả nhiều lần thì
tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích
luỹ.
- Trường
hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao
gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về
phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp
luật Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ ngay thuế TNCN
theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp cho người lao
động.
4. Về việc tính thuế đối với thu nhập từ
thừa kế, quà tặng
- Bổ
sung hướng dẫn cụ thể với trường hợp nhận thừa kế quà tặng gồm nhiều mã chứng
khoán thì thu nhập tính thuế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng
vượt trên 10 triệu đồng tính trên toàn bộ các mã chứng khoán nhận được chưa trừ
bất cứ một khoản chi phí nào.
- Bổ
sung hướng dẫn đối với trường hợp cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là tài sản nhập khẩu thì giá trị
tài sản để làm căn cứ tính thuế TNCN đối với thừa kế quà tặng là giá tính lệ
phí trước bạ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm làm thủ tục
đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trừ (-) các khoản thuế ở khâu nhập khẩu
mà cá nhân phải tự nộp theo quy định.
5. Về việc bù trừ nghĩa vụ quyết toán
thay cho cá nhân với nghĩa vụ của tổ chức trả thu nhập
Trường
hợp sau khi bù trừ có số thuế phải nộp thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải
nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi bù trừ có
số thuế nộp thừa được cơ quan thuế tự động bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ
tính thuế tiếp theo hoặc tổ chức, cá nhân trả thu nhập lập Giấy đề nghị hoàn trả khoản
thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành tại Thông tư 156/2013/TT-BTC gửi
cơ quan thuế trực tiếp quản lý để hoàn trả thuế theo quy định.
IV.
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KHÁC VỀ QUẢN LÝ THUẾ TNCN
1. Về nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN
1.1. Đối
với tổ chức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Trường
hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ
về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi thì doanh nghiệp trước chuyển đổi
không phải khai quyết toán thuế TNCN đến thời điểm có quyết định về việc chuyển
đổi, bên tiếp nhận thực hiện khai quyết toán thuế
TNCN theo quy định.
1.2. Đối
với Công ty xổ số, DN bảo hiểm, DN bán hàng đa cấp; tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế đối với thu nhập từ đầu tư
vốn, chuyển nhượng chứng khoán, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng
thưởng
Công ty
xổ số, DN bảo hiểm, DN bán hàng đa cấp; tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế đối
với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng chứng khoán, bản quyền, nhượng quyền
thương mại, trúng thưởng chỉ có trách nhiệm khấu trừ và khai thuế trong năm,
không phải quyết toán nghĩa vụ khấu trừ vào cuối năm.
1.3. Đối
với thu nhập không phải quyết toán thuế
Cá nhân
không phải quyết toán thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ bảo hiểm không bắt
buộc do người sử dụng lao động mua và đóng góp cho người lao động đã khấu trừ
thuế theo thuế suất 10%.
2. Về việc uỷ quyền quyết toán thuế
Trường
hợp người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam nhưng trước khi
xuất cảnh chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì có thể uỷ quyền
theo quy định của Bộ Luật Dân sự cho đơn vị trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân
khác quyết toán thuế theo quy định.
3. Về sửa đổi, bổ sung mẫu biểu, tờ khai
thuế
Các mẫu
biểu, tờ khai tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC đã thay thế toàn bộ mẫu biểu, tờ khai
tương ứng tại Thông tư 156/2013/TT-BTC Các
mẫu biểu, tờ khai mới được đánh số theo nguyên tắc phân nhóm theo đối tượng và
tính chất để dễ nhớ, dễ phân biệt và mỗi nhóm có thể bổ sung hoặc cắt giảm mẫu
mà không ảnh hưởng đến số thứ tự. Cụ thể:
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “01” dành cho cá nhân kinh doanh.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “02” dành cho cá nhân tự khai thuế đối với tiền lương, tiền
công.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “03” dành cho cá nhân khai thuế đối với chuyển nhượng bất động
sản.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “04” dành cho cá nhân tự khai thuế đối với các loại thu nhập
khác.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “05” dành cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế từ
tiền lương, tiền công.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “06” dành cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế từ các
loại thu nhập khác.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “07” dành cho các mẫu đơn đề nghị của người nộp thuế (không bao
gồm đơn đề nghị miễn giảm thuế).
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “08” dành cho các mẫu đơn liên quan đến miễn giảm thuế.
- Nhóm
mẫu có ký hiệu “09” dành cho các mẫu liên quan đến xác nhận về người phụ thuộc.
(Theo Công văn 2994/TCT-TNCN ngày 24/7/2015 của Tổng cục Thuế)
Thanh Hữu
136,273