Việc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối
hợp với Bộ LĐTB-XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra mắt và công bố Bộ
Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam khiến nhiều người
yên tâm hơn khi đi làm việc. Tham vọng của những người soạn thảo tài liệu này
không quá lớn, đó chỉ là rài liệu nhằm giúp giải quyết những điểm vẫn chưa được
pháp luật hướng dẫn cụ thể trong việc phòng chống quấy rối tình dục (QRTD). Bộ
qui tắc này mới chỉ dừng ở một nguồn tài liệu tham khảo, có tính chất khuyến
khích chứ không mang tính bắt buộc.
Chúng ta đã có pháp luật về phòng, chống
QRTD (trong Luật lao động, Luật hình sự - điều 121) nhưng vẫn chưa có hướng dẫn
thi hành. Luật ban hành phải chờ Nghị định từ Chính phủ, Thông tư hướng dẫn từ
Bộ LĐ-TB-XH. Trong lúc này, việc ra đời qui tắc này giúp những người lao động
nhận diện “thế nào là quấy rối tình dục”, điều mà có thể xưa nay nhiều người gặp
phải nhưng không biết phải ứng xử với nó như thế nào. Bởi theo một nghiên cứu
do Bộ LĐTB-XH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối
tình dục ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 - 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn
hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc. Nhiều
chị em từng bị QRTD nhưng cũng chỉ dám nói chuyện kín đáo với người thân để họ
biết còn “tránh xa” kẻ xấu đó ra.
Câu chuyện của chị V.Đ.H, nhân viên văn
phòng đã ly hôn là một ví dụ: “Sếp của tôi thường xuyên gọi điện thoại rủ đi uống
cà phê, ăn tối… thậm chí là gợi ý đi chơi xa, ngủ qua đêm. Tôi rất sợ không biết
phải làm sao, chỉ biết chối quanh. Và cuối cùng tôi phải xin thôi việc vì không
chịu nổi sự săn đuổi của ông sếp này. Tôi sang cơ quan mới cũng không khá khẩm
gì hơn, vẫn sống trong tâm trạng lo sợ mỗi ngày đi làm. Nhưng tôi không biết phải
nói với ai, không dám chia sẻ cùng ai. Bởi có khi, cũng có những đồng nghiệp nữ
thích sếp mà không được sếp để ý”.
Khi ra đời Bộ qui tắc ứng xử về quấy rối
tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam, chị V.Đ.H rất mừng nhưng lại “ỉu xìu”
ngay vì biết rằng, những người như mình vẫn chưa được bảo vệ rốt ráo.
Việc ra đời bộ qui chuẩn này góp thêm một
tiếng nói thúc đẩy phòng, chống QRTD, để những ai là nạn nhân biết cách tự bảo
vệ mình.
Thực tế hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng,
QRTD là khi mình bị xâm hại về thể xác, còn những lời gạ gẫm, tán tỉnh, thậm
chí là bình luận thô lỗ không phải là QRTD. Vì lý do đó mà trong Bộ qui tắc này
đã chỉ ra rõ rằng, không chỉ các hành vi mang tính thể chất, hành vi QRTD tại nơi
làm việc được đưa vào bộ quy tắc này bao gồm những hành vi QRTD bằng lời nói.
Cụ thể, đó là các nhận xét không phù hợp
về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như
những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể
của một người nào đó khi có mặt họ hay hướng tới họ khi vắng mặt.
Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề
nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một
cách liên tục.
Ngoài ra, còn có những hành vi QRTD phi
lời nói gồm các hành động không được mong muốn như cơ thể khiêu khích, biểu hiện
không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón
tay...
Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày
các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp-phích, thư điện
tử, ghi chép, tin nhắn liên quan đến tình dục.
Những hành vi, hình thức nêu trên thường
không được nhận biết đầy đủ hoặc không được đánh giá đúng mức độ, dễ bị bỏ qua
dù gây khó chịu, bức xúc.
Tuy nhiên, việc liệt kê các biểu hiện của
QRTD này cũng khiến nhiều người băn khoăn. Bởi trong nhiều trường hợp, một số lời
nói, cử chỉ, biểu hiện được liệt kê ở trên chỉ là trêu đùa giữa một nhóm người,
một nhóm đồng nghiệp với nhau chứ không hàm ý QRTD. Cùng với đó, Bộ qui tắc chỉ
là “một tài liệu tham khảo” không có tính bắt buộc thực hiện nên làm theo cũng
tốt mà không làm cũng chẳng sao. Và để an toàn, hiệu quả trong phòng, chống
QRTD thì mỗi người vẫn phải tự bảo vệ mình là chính!/.
An Nhi
Theo
Báo điện tử VOV
4,314
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN