Quỹ hợp tác phát triển và Ủy ban
Kinh tế QH sáng nay tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát "đóng góp của
người dân trong việc sửa đổi luật Đất đai". Nhiều chuyên gia đã tranh thủ diễn
đàn để kiến nghị với Ủy ban Kinh tế về sửa đổi luật.
Người dân Sơn La đã nhường lại đất cho nhà nước xây thủy điện để đến vùng tái định cư. Ảnh minh họa: LN |
Gỡ nút thắt "thu hồi đất"
Theo phản ánh của người dân một
địa phương phía Nam với đoàn khảo sát, thì chế độ thu hồi đất thiếu minh bạch và
không công bằng là một trong những nút thắt lớn nhất của luật hiện hành. Người
dân phàn nàn rằng hiện đang có quá nhiều khe hở trong cơ chế thu hồi đất. Mà
nhức nhối nhất là việc áp dụng tràn lan cơ chế thu hồi bằng những quyết định
của cơ quan nhà nước. Cách làm nói trên thực chất là quốc hữu hóa tài sản của cá
nhân và tổ chức. Và đây cũng là nguyên nhân chính của tham nhũng và khiếu kiện
về đất đai.
Nhóm khảo sát kiến nghị: nên thay
việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất, nhằm xóa bỏ tâm lý bị
tước đoạt. Thu hồi đất cần phải hợp lòng dân, không để tiếp tục xảy ra tình
trạng dùng quyền lực cưỡng chế.
Ông Vũ Quốc Tuấn (Trưởng ban cố
vấn liên mạng vận động chính sách) phân tích cụ thể hơn, nên phân biệt các
trường hợp thu hồi đất để có giải pháp xử lý thỏa đáng. Trường hợp thu hồi đất
để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
thì thực hiện cơ chế trưng mua.
Với các trường hợp sử dụng đất
vào mục đích kinh tế thì cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư với
người dân theo phương án giá thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường.
Nguyên Thứ trưởngĐặng Hùng Võ cũng đề xuất
phải bỏ ngay từ "thu hồi" đất, thay vào đó là khái niệm trưng mua, trưng dụng.
Tăng nguy cơ tham nhũng
Ông Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra
5 điểm bất cập chưa được sửa trong dự án luật.
Theo ông Võ, tham nhũng trong
quản lý đất đai luôn đứng đầu bảng. Việc sửa luật phải hướng tới xóa bỏ tận gốc
nguy cơ phát sinh tham nhũng (do cơ chế, chính sách). Tuy nhiên, trong dự án
luật lại có những thay đổi tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tham nhũng.
Đó là ban soạn thảo đã trao quyền
định đoạt về đất đai từ tay tập thể "ủy ban nhân dân" sang cho "chủ tịch ủy ban
nhân dân" (huyện, tỉnh). Theo ông Võ, việc giao độc quyền quyết định về đất đai
cho một cá nhân lãnh đạo, nếu thiếu trách nhiệm giải trình và thiếu minh bạch
thì cơ hội tham nhũng có thể đến từ nhiều phía. Thẩm quyền chuyển từ tổ chức
sang cá nhân càng gây ra nguy cơ tham nhũng cao hơn.
Ông đề
xuất, việc sửa luật phải hướng tới loại toàn bộ nguy cơ tham nhũng ra khỏi luật
thay vì nhăm nhe đi tìm bắt đối tượng gây ra tham nhũng. "Không kiểm soát được
quyền lực của những người có quyền thì không thể loại được nguy cơ tham nhũng.
Vì có huy động cả sư đoàn cũng không thể bắt được hết các ông tham nhũng", ông
Võ nói.
Ông Võ đề xuất nên tạm hoãn trình
dự án luật vào kỳ họp QH tới để sửa đổi rốt ráo hơn: "Nếu hoãn mà để cho luật chín
được thì nên hoãn. Vì còn nhiều chuyện về đất đai chúng ta vẫn chưa quyết khác
đi được. Dự án luật cho dù đã được sửa rất tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được
đòi hỏi của cuộc sống".
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Tuấn
cũng bày tỏ lo ngại, không loại trừ đang có một nhóm lợi ích nào đó cũng
đang vận động chính sách để lái dự án luật theo hướng có lợi cho mình.
"Dự án
luật phải khẳng định quan điểm nguồn lực đất đai vì ai, phục vụ cho ai
để đảm
bảo sự công bằng", ông Tuấn khẳng định.
Tổng hợp của đoàn khảo sát cũng
cho thấy, người dân nhiều nơi phàn nàn tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức trục
lợi từ đất, nhất là trong các lĩnh vực thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư...
Do đó, người dân mong muốn bổ sung thêm quy định chặt chẽ hơn việc xử lý những
cán bộ vi phạm. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan
trong trường hợp ban hành những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có
cán bộ, công chức phạm luật, có hành vi trục lợi từ đất đai nhằm
thu vén cá nhân.
Các diễn giả dự hội thảo cũng cho
rằng, ý kiến tại những cuộc thảo luận công khai cần được tổng hợp để gửi tới cơ
quan QH và ban soạn thảo trong bối cảnh kỳ họp QH sắp sửa khai mạc
vào tuần tới.
Lê Nhung
Theo Vietnamnet
3,507
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN