
Dọc theo tuyến metro số 1 (Bến Thành -
Suối Tiên) đang xây dựng là hàng loạt dự án bất động sản “ăn theo”, kèm theo
giá cả cũng được các chủ đầu tư nâng lên theo tiến độ thi công metro - Ảnh: Tự
Trung
Ngồi hóng mát trên bộ ghế đá trước nhà,
bà Cúc (khu phố 6, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bảo: “Mấy tháng nay, ngày
nào cũng có người ghé hỏi thăm mua nhà mua đất ở khu này. Bây giờ mới hỏi là
quá trễ rồi, có còn miếng nào thì giá cũng cao gần gấp đôi trước đây”.
Mơ ước
đổi đời
Nhà bà Cúc nằm trên nhánh con đường Nguyễn
Văn Bá, nhìn thẳng ra thấy nhà ga Bình Thái (nhà ga số 10 tuyến metro số 1)
đang thi công chỉ cách đó chừng hơn trăm mét.
Năm nay 65 tuổi, đến khi nhà ga và cả
tuyến đường sắt đô thị này đi vào hoạt động, bà chắc cũng gần 70.
Nhưng bà vẫn lạc quan: “Đến lúc ấy tôi
cũng mở hàng buôn bán, chắc là nhộn nhịp lắm. Hai mươi mấy năm sống lặng lẽ ở
đây, cỏ cây rậm rịt, toàn sình lầy mà giờ được sạch sẽ khang trang thế này. Mai
mốt thêm cái nhà ga nữa, có lẽ đổi đời”.
Hai tuần trước, căn nhà trước nhà bà Cúc
vừa bán được 3,2 tỉ đồng dù chưa có giấy tờ. Rồi cách đó hai căn, ngôi nhà 60m2
mà cách đây vài năm chỉ có giá 300 triệu đồng, giờ có người tới trả 1 tỉ chủ
nhà không chịu bán...
Cách nhà ga Thủ Đức vài trăm mét, con đường
Linh Trung (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) cũng sôi lên với chuyện đất đai nhà cửa. Một
dãy dài treo biển bán đất, bán nhà. Một căn 355m2, có sổ hồng được rao bán với
giá 18 triệu đồng/m2.
Những mảnh đất hương hỏa ông bà để lại vốn
chỉ toàn cỏ hoang nay được con cháu chia tách thành từng thửa nhỏ để dễ bán, với
giá chừng 13-15 triệu đồng/m2.
Thậm chí ở một số căn nhà thuộc P.Trường
Thọ, người dân còn cho biết có căn nhà được rao bán tới hơn 30 triệu đồng/m2
cũng với lý do ở gần nhà ga, sau này dễ làm ăn.
Sau chuyện đất đai là chuyện làm ăn. Bà
Nhung, quê Trà Vinh, bán đồ ăn sáng và nước giải khát ngay gần nơi thi công nhà
ga Bình Thái thì làm quen với từ “metro” khi những công nhân làm việc gần đó
qua chơi, nói cho bà biết.
Bà Nhung kể thi thoảng hàng bán ế ẩm, bà
cũng nản muốn dẹp tiệm về quê cho rồi. “Nhưng mấy đứa lại động viên cô ráng bám
trụ ở đây, đến khi metro hoạt động lại tha hồ đông khách, phát tài. Nghe vậy
cũng vui, metro chắc còn lâu nữa nhưng mình cứ tin vậy cho đời vui”.
Và dường như không chỉ bà Nhung, những
người dân dọc tuyến đường sắt đô thị, nhất là gần các nhà ga, đang chờ mong những
đổi thay và vận may sẽ tới khi tuyến đường này đi vào hoạt động.
Dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối
Tiên) đang tiến hành xây dựng, có gần 6.000 căn hộ đang được triển khai để bàn
giao nhà trong 2-3 năm tới.
Tại đây, không chỉ những dự án chung cư
có những cái tên ngoại như Depot Metro Tower, Gateway... mà các dự án khu đô thị
mới sầm uất, đất nền, nhà phố cũng “trăm hoa đua nở”.
Chị Kiều Diễm (ngụ ở P.Thảo Điền, Q.2,
TP.HCM, cũng là một người đầu tư bất động sản) nói chưa bao giờ thấy các dự án
bất động sản nở rộ như thời điểm này.
Chị nói: “Chỉ tính từ khu căn hộ gia
đình tôi đang sống gần bên nhà ga số 7 của tuyến metro số 1 về đến Suối Tiên đã
có ít nhất 15 dự án đã và đang triển khai xây dựng. Đến tìm hiểu các dự án này
câu cửa miệng của nhân viên bán hàng vẫn lặp đi lặp lại là metro”.
Từ lúc có các dự án mọc lên từ metro, chị
Diễm cũng lấy công việc mua bán, môi giới căn hộ làm “nghề tay trái” để kiếm thêm
thu nhập.
Ngay cả người nước ngoài cũng chộn rộn.
Ông Jun Mizutani, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp đến từ Nhật Bản,
cho biết thông qua một đối tác môi giới tại VN, ông đã chấm tọa độ các dự án
đang phát triển dọc tuyến metro và ông thật sự ngạc nhiên về tốc độ phát triển
cực nhanh của các dự án này.
“Bất động sản TP.HCM đang như Nhật của
30 năm trước, thị trường đang cực kỳ tiềm năng khi hạ tầng kết nối ngày một lan
tỏa. Nếu nắm bắt tốt thời cơ cho quy hoạch đô thị thì TP.HCM sẽ phát triển được
các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị trẻ sầm uất. Có thể thấy dọc các tuyến metro
điều này đang thể hiện rõ nhất” - ông Jun Mizutani nói.
Không chỉ tập trung ở các quận gần trung
tâm TP như Q.2, Q.Bình Thạnh, ở khu vực ngoại vi có tuyến metro số 1 đi qua như
Thủ Đức, nhiều dự án cũng bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường hoặc rục rịch triển
khai.
Sở dĩ các dự án này được chú ý vì người
dân đã nhận thấy sự thuận tiện trong vấn đề di chuyển khi tốc độ xây dựng tuyến
metro số 1 được đảm bảo, về phía các nhà phát triển dự án thì đón đầu được khả
năng thanh khoản mà metro mang lại dẫn đến cung cầu nhộn nhịp.

Dọc theo tuyến metro số 1 (Bến Thành -
Suối Tiên) đang xây dựng là hàng loạt dự án bất động sản đang ngày càng có giá.
Trong ảnh: ngay những ngày đầu năm Bính Thân, người dân ở ven metro cho biết đất
đai khu vực này đang tăng giá theo tiến độ thi công metro - Ảnh: Tự Trung
Luồng
gió mới
Hiện đang có hơn 45.000 căn hộ, nhà phố
của hàng loạt dự án bất động sản nằm dọc theo hệ thống sáu tuyến metro đang đón
lõng cơ hội kết nối từ dự án metro.
Được khởi công tháng 8-2012, tuyến metro
số 1 có chiều dài 19,7km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức
(TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó, khoảng 2,6km đi ngầm với ba
nhà ga và hơn 17km trên cao với 11 nhà ga. Theo quan sát, quanh các nhà ga đang
là những địa điểm được các chủ đầu tư bất động sản lựa chọn để mở dự án.
Tại điểm kết của tuyến metro trước mặt
chợ Bến Thành với hệ thống nhà ga ngầm, một số dự án chung cư cũ đang rầm rộ
làm lại giá bán, một số dự án mới xung quanh khu vực này cũng đang làm móng với
giá bán lên đến 5.000-7.000 USD/m2.
Nói như ông Ngô Quang Phúc, tổng giám đốc
Công ty bất động sản Him Lam: “Việc các chủ đầu tư bất động sản chọn vị trí gần
các nhà ga metro để phát triển dự án sẽ là xu thế chung của thị trường bất động
sản trong thời gian tới.
Công ty chúng tôi cũng đang sử dụng những
quỹ đất có sẵn tại khu vực có tuyến metro số 1 chạy qua để xây hàng ngàn chung
cư tung ra thị trường ngay đầu năm 2016” - ông Phúc nói.
Có thể thấy các dự án quanh metro cũng
đang được khách hàng lựa chọn nhiều như dự án của Công ty cổ phần địa ốc và xây
dựng SSG 2.
Khi thị trường địa ốc còn chưa khởi sắc,
chủ đầu tư này vẫn mạnh tay rót vốn xây khu phức hợp Thảo Điền Pearl nằm trên đường
Quốc Hương, Q.2.
Nhờ vị trí nằm cạnh trạm số 6 của tuyến
metro Bến Thành - Suối Tiên, sau gần một năm bàn giao (quý 3-2013), đến nay 450
căn hộ đã bán sạch.
Cách đó không xa là khu dân cư Masteri
Thảo Điền quy mô hơn 3.000 căn kết nối trực tiếp với ga An Phú (ga số 7) của
tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng không còn một căn.
Giữa năm 2015, Công ty CP đầu tư kinh
doanh bất động sản Thanh Yến (Thanh Yến Land), đơn vị phân phối độc quyền dự án
Depot Metro Tower (mặt tiền đường Lê Văn Chí, Q.Thủ Đức, gần ga số 12 của tuyến
metro Bến Thành - Suối Tiên) đã mở bán khoảng 125 căn hộ thuộc block A của dự
án và đạt thanh khoản khá tốt.
Mới đây nhất Công ty bất động sản Hưng
Thịnh công bố dự án Lavita Garden (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) nằm ngay ngã tư
Bình Thái, gần ga số 10 của tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Công ty NHO chào bán
căn hộ First Home Premium Trường Thọ, nằm gần ga số 9.
Hongkong Land và SonKim Land tung ra dự
án hạng sang Nassim Thảo Điền, gần ga số 7. Vinhomes Central Park vẫn dồn dập
bung hàng gần ga số 5...
Dọc theo tuyến metro Bến Thành - Tham Lương
ghi nhận nguồn cung mới nhất trong quý 4-2015 là khu phức hợp Rich Star, chuỗi
căn hộ Depot Metro Tower và Southern Dragon. Các dự án đã chào hàng trước đó
không lâu là Melody Residence, Idico Tân Phú...
Tuyến metro từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến
Bến Cát, Thạnh Xuân cũng đã xuất hiện nguồn cung mới. Công ty Hưng Lộc Phát
tung dự án Silver Star với thông điệp dự án chỉ cách tuyến metro này 100m di
chuyển.
Gần đó, Công ty Kiến Á chuẩn bị tung khu
biệt thự cao cấp Galleria thuộc khu Nam TP.HCM.
Trong khi các dự án áp sát tuyến tàu điện
hiện đại này phần lớn là căn hộ thì Kiến Á tập trung vào nhà đất. Ngoài ra,
trên trục metro này còn có các dự án vừa trình làng: Sunrise Riverview, Florita,
Dragon Park...
Trong khi đó, nếu lấy cột mốc là 12
tháng qua, các tuyến metro có lộ trình theo trục giao thông Bến Thành - Tân
Kiên, Trường Chinh - Phú Lâm, Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc cũng đón nhận gần 20
dự án bất động sản mới ở đủ các phân khúc từ vừa túi tiền đến trung và cao cấp.
Theo khảo sát nguồn cung nhà ở mới nằm dọc
theo hệ thống sáu tuyến metro tại TP.HCM đang tăng lên khá nhanh, từ 16.000 căn
đã tăng mạnh lên 45.000 căn.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên thu hút 27 dự
án mới trong khi trước đó xung quanh trục hạ tầng này chỉ có khoảng 15 dự án. Lượng
nhà ở quanh tuyến metro đầu tiên cũng tăng từ 7.600 căn lên gần 27.000 căn
(hình thành trong tương lai).
8 tuyến metro Tám tuyến metro xuyên tâm
TP.HCM và đường vành khuyết nối các trung tâm chính của TP, chủ yếu đi ngầm
trong lòng TP. 1. Tuyến metro số 1 Bến
Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9) dài 19,7km. Trong tương lai sẽ nối dài tới TP
Biên Hòa (Đồng Nai). 2. Tuyến metro số 2 khu đô
thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - bến xe An Sương (còn gọi là bến xe
Tây Ninh) - Trường Chinh - nhánh nối vào depot Tham Lương - Cách Mạng Tháng 8
- Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm (Q.2), dài 48km. 3. Tuyến metro số 3a: Bến
Thành (Q.1) - ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), chiều dài khoảng 19,6km. Nghiên
cứu trong tương lai kéo dài tuyến số 3a kết nối TP Tân An (tỉnh Long An) từ
ga Hưng Nhơn đi dọc theo quốc lộ 1A. 4. Tuyến số 3b: Ngã sáu Cộng
Hòa (Q.3 - Q.10) - Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức), dài khoảng 12,1km. Sẽ nghiên
cứu kết nối với TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). 5. Tuyến metro số 4: Thạnh
Xuân (Q.12) - khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè), dài 36,2km. 6. Tuyến metro số 4b: Ga
công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) - ga Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) - kết nối với tuyến
metro số 5, chiều dài 5,2km. 7. Tuyến metro số 5: Bến
xe Cần Giuộc mới (Q.8) - cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) - kết nối với tuyến metro
số 1, dài 25km. 8. Tuyến metro số 6: Bà Quẹo
(Q.Tân Bình) - vòng xoay Phú Lâm (Q.6), dài 5,6km. Tuyến metro này kết nối giữa
hai tuyến metro số 2 và số 3a. |
Đ.Dân – M.Hoa –N.Ẩn
Theo Tuổi trẻ
5,399