Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 16/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Thị Hồng
Thị Hồng

Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 68.

Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, nhiệm vụ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI cụ thể như sau:

(1) Bộ Tài chính:

- Rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư 2020, Quyết định 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt và các văn bản hướng dẫn thi hành để bổ sung:

(i) Chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

(ii) Chính sách thúc đẩy nội địa hóa thông qua việc phát triển các liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa;

(iii) Áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp theo lộ trình trong các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn ưu tiên;

(iv) Quy định các dự án FDI lớn có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án.

- Rà soát, sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, bổ sung chính sách:

(i) Hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn ngành theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị, doanh nghiệp FDI;

(ii) Hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, xúc tiến thương mại kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, khu thương mại tự do;

(iii) Hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đã làm việc tại doanh nghiệp FDI nhằm tận dụng kinh nghiệm, kiến thức, mô hình quản trị để tham gia vào chuỗi cung ứng;

(iv) Cho phép doanh nghiệp lớn được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi.

- Rà soát, sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 để bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp lớn được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi.

(2) Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tài chính, tín dụng tăng cường tài trợ vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

(3) Các bộ, ngành, địa phương:

- Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các chính sách hỗ trợ của các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, nền tảng. Tích cực đàm phán với chủ đầu tư các dự án FDI lớn để có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án.

Khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị tích cực tham gia vào các chương trình cấp tín dụng theo chuỗi cung ứng theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Xem thêm tại Nghị quyết 138/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 16/5/2025.

33

tin noi bat

Xem nhiều nhất

Tin mới
Các tin khác