Sáp nhập tỉnh: Phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết 35

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết 35.

Sáp nhập tỉnh: Phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết 35 (Hình từ internet)

1. Sáp nhập tỉnh: Phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết 35

Theo Điều 20 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, thì việc phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (được sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể: 

Điều 31. Áp dụng Nghị quyết

2. Việc áp dụng Nghị quyết đối với phân loại đơn vị hành chính được thực hiện như sau:

a) Các đơn vị hành chính đã được phân loại trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì giữ nguyên loại đơn vị hành chính cho đến khi được phân loại lại theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì các đơn vị hành chính có liên quan phải được phân loại theo quy định của Nghị quyết này. Trong thời gian chưa thực hiện phân loại thì đơn vị hành chính sau khi chia là đơn vị hành chính loại III; đơn vị hành chính sau khi nhập được xác định theo loại của đơn vị hành chính trước khi nhập có loại cao nhất; đơn vị hành chính sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hoặc thành lập trên cơ sở nguyên trạng 01 đơn vị hành chính cùng cấp được xác định theo loại của đơn vị hành chính trước khi điều chỉnh địa giới hoặc thành lập đơn vị hành chính;

c) Trường hợp đơn vị hành chính có biến động lớn về các yếu tố liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính mà cần thiết phải phân loại lại thì được phân loại lại theo quy định của Nghị quyết này.

Như vậy, việc phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định nêu trên.

2. Quy định về phân loại đơn vị hành chính hiện nay

Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.

Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo (sau đây gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, miền núi, vùng cao, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(Điều 1, Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025)

 

49

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác