Khoản bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật là bao nhiêu?

Bồi thường tổn thất về tinh thần là một trong những dạng bồi thường dân sự. Vậy, khoản bồi thường tổn về thất tinh thần theo quy định pháp luật là bao nhiêu?

Khoản bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật là bao nhiêu?

Khoản bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Thế nào là bồi thường tổn thất về tinh thần?

-Tổn thất về tinh thần là việc sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh…

-Theo đó, bồi thường tổn thất về tinh thần là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Thông thường đây là khoản tiền mà người bị xâm phạm hoặc người thân của người bị xâm phạm được hưởng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Một số trường hợp được coi là tổn thất về tinh thần

Theo Điều 590, 591, 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại tinh thần được xác định khi phát sinh các thiệt hại sau:

- Do sức khỏe bị xâm phạm: 

Bị thương tật, đau đớn do tai nạn hoặc hành vi bạo lực: Khi một người bị thương tật hoặc đau đớn nghiêm trọng do tai nạn, bạo lực hoặc hành vi trái pháp luật, tổn thất tinh thần sẽ là hậu quả trực tiếp. Điều này đặc biệt đúng khi vết thương ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống và khả năng sinh hoạt của người bị hại, tạo ra cảm giác đau đớn về thể chất lẫn tinh thần.

Tổn thương tinh thần sau khi bị tai nạn hoặc thương tật nặng: Trong những vụ tai nạn nghiêm trọng, nạn nhân không chỉ chịu tổn thất về sức khỏe mà còn gặp phải những vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, hoặc sợ hãi. Các yếu tố này đều được xem xét là tổn thất tinh thần.

- Do tính mạng bị xâm phạm: đặc biệt là trong trường hợp tử vong do hành vi vi phạm pháp luật (như giết người, tai nạn giao thông gây chết người), gia đình của nạn nhân sẽ phải chịu tổn thất tinh thần lớn. Mất mát về mặt tình cảm và tâm lý, đặc biệt là đối với người thân trực tiếp (vợ/chồng, con cái, cha mẹ), là một thiệt hại tinh thần đáng kể.

- Do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: 

Bị nói xấu, vu khống, lăng mạ: Khi một cá nhân bị lăng mạ, vu khống, làm nhục công khai hoặc có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác (ví dụ: tung tin đồn sai sự thật về một người), họ sẽ phải gánh chịu tổn thất về tinh thần. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm giác tự tôn, sự nghiệp và mối quan hệ xã hội của nạn nhân.

Xâm phạm danh dự,nhân phẩm, uy tín: Những hành vi như phát tán thông tin sai lệch hoặc thông tin gây hại tới danh dự, uy tín cá nhân qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có thể gây ra tổn thất tinh thần lớn cho người bị hại.

Khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định pháp luật là bao nhiêu?

Tùy vào các trường hợp bị thiệt hại mà mức bồi thường thiệt hại cũng được quy định khác nhau. Cụ thể:

3.1 Bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm

Căn cứ khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 (hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP) quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;

- Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó, tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng.

Như vậy, mức bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm là không quá 90 triệu đồng.

3.2 Bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015(hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP) quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm như sau:

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;

- Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng. Do đó mức bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 180 triệu đồng.

3.3 Bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Căn cứ khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015(hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP) quy định mức bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;

- Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở.

Hiện nay mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,8 triệu đồng, do đó mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 18 triệu đồng.

Phạm Việt Trinh

73

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác