Gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng một số cơ quan ban hành
các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhưng lại bị dư luận phản ứng vì nội dung
không phù hợp. Các cơ quan tiếp thu nhưng sửa đổi bằng cách… ra văn bản đính chính.
Sửa nội dung không phù hợp
Tuy nhiên, Điều 30 Nghị định 40/2010 (về kiểm tra và xử lý VBQPPL)
đã quy định về đính chính như sau: “Trong quá trình kiểm tra, phát hiện văn bản
chỉ sai về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày còn nội dung
của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp
thì đính chính đối với những sai sót đó”.
Như vậy các cơ quan ra văn bản đính chính cả nội dung văn bản
là không phù hợp.
Đơn cử mới đây, Bộ Công an ban hành quyết định đính chính… một
số “lỗi kỹ thuật” tại Thông tư 28/2014 quy định về công tác điều tra hình sự trong
CAND. Đơn cử như bỏ và thay một số cụm từ trong điều luật quy định về cách xử lý
đối với người bào chữa… có sai phạm (xem thêm “Bộ Công an đính chính thông tư
“điều tra” gây tranh cãi”, Pháp Luật TP.HCM ngày 27-8).
Như vậy, xét về nội dung, lỗi này không phải là lỗi do kỹ thuật.
Thật ra nội dung được ban hành không phù hợp nên được người dân góp ý. Sau đó, Bộ
đã sửa đổi nội dung để phù hợp với thực tiễn. Như vậy hình thức chính xác của loại
văn bản này phải là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều…

Thông tư của Bộ công an trước đó có quy định làm khó luật
sư nay đã được đính chính. Ảnh: HTD
Đính chính cả chục trang
Hay cũng mới đây, ngày 14-8, Bộ Tài chính ban hành Quyết định
1989 đính chính một số nội dung của Thông tư 76/2014 (hướng dẫn một số điều của
Nghị định 45/2014 về thu tiền sử dụng đất). Phần đính chính gồm bốn nội dung, trong
đó nội dung lớn nhất được… đính chính cũng là nội dung đã gây nhiều hiểu lầm và
tranh cãi trong dư luận. Cụ thể Quyết định 1989 đính chính Điều 6 của Thông tư 76
như sau (toàn bộ phần in nghiêng):
“Điều 6. Phân bổ tiền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng tại
công trình hỗn hợp có nhà ở. Việc phân bổ tiền sử dụng đất đối với trường hợp công
trình xây dựng nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao đất cho nhiều đối
tượng sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2014 (chỉ áp dụng đối
với trường hợp Nhà nước phải phân bổ để xác định tiền sử dụng đất khi Nhà nước trực
tiếp giao đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc xác định giá trị tài sản là nhà
gắn liền với đất đối với quỹ nhà thuộc sở hữu của Nhà nước tại các tòa nhà nhiều
tầng; không áp dụng đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất
cho tổ chức kinh tế để thực hiện dự án xây dựng nhà ở nhiều tầng để bán hoặc để
bán kết hợp cho thuê) được thực hiện như sau:...”.
Theo rà soát của chúng tôi, có rất nhiều văn bản có nội dung
đính chính. Hầu hết, nội dung các văn bản đính chính đều nại lý do là do “lỗi kỹ
thuật trình bày”, “lỗi đánh máy”, “sơ sót trong quá trình soạn thảo”… Tuy nhiên,
có những văn bản ghi là đính chính nhưng nội dung được đính chính (thật ra là sửa
đổi) lại rất dài, có thể lên đến 10 trang như Công văn 19039 ngày 5-12-2012 của
Cục Quản lý Dược đính chính quyết định cấp số đăng ký thuốc nước ngoài… Nhìn vào
thì không thể phân biệt được cần đính chính nội dung gì vì nội dung gần như là thay
nguyên cụm vào văn bản cần đính chính. Quyết định 601 của Bộ Tài chính đính chính
Thông tư 19/2014 của bộ này (về tạm nhập, tái xuất… ô tô, xe hai bánh gắn máy của
đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam) cũng có nội dung được
đính chính dài hơn hai trang, lên đến bảy nội dung.
Chúng tôi cho rằng những nội dung đó không thể nói là đính chính
mà phải là sửa đổi, bổ sung...
Đ.LIÊN
Phải làm chặt chẽ, đúng quy trình Có thể thấy thêm một vấn đề nữa là khi đã xác định cần phải
ra văn bản sửa đổi, bổ sung… (thay vì đính chính) thì phải tuân thủ các quy định
về hình thức, thẩm quyền ra văn bản sửa đổi, bổ sung. Điều 9 Luật Ban hành VBQPPL
nêu rõ: “VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL
của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó”. Như vậy nếu muốn sửa đổi thông tư thì phải ban hành thông tư
để sửa đổi chứ không thể dùng quyết định cá biệt để sửa đổi thông tư, càng không
thể sử dụng công văn để sửa đổi VBQPPL. Việc ban hành một văn bản quy phạm về
sửa đổi, bổ sung cũng phải thỏa các yêu cầu về trình tự xây dựng, ban hành VBQPPL,
về hình thức, nội dung… Trong khi đó, đính chính bằng văn bản cá biệt thì trình tự
xây dựng, ban hành đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt văn bản cá biệt theo
quy định cũng không được xét là VBQPPL (Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL). Có phải
vì vậy mà các cơ quan hay lạm dụng việc đính chính? VBQPPL khi được ban hành ra, chỉ đạt hiệu quả ứng dụng và quản
lý khi nội dung và hình thức của chúng phải bảo đảm cả về tính hợp pháp và tính
hợp lý. Nên chăng công tác ban hành VBQPPL cũng phải làm chặt chẽ từ khâu soạn
thảo đến khâu lấy ý kiến các đối tượng liên quan; không thể làm một cách chủ quan,
khi bị phản ứng thì lại “sửa sai” bằng cách đính chính hoặc đổ lỗi cho… đánh máy
sai, sai sót kỹ thuật. |
48,793
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN