
Sáng 15-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục phiên họp
toàn thể lần thứ 14 để nghe báo cáo về tình phòng, chống tham nhũng năm 2014.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng đánh
giá tình hình tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vẫn chung chung. “Hàng năm
chúng tôi đều đề nghị làm rõ địa chỉ bộ ngành, địa phương chưa làm tốt về công
tác phòng chống tham nhũng nhưng báo cáo năm nay cũng chưa làm rõ được”- ông
Quyền nói.
Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai các
nhiệm vụ cải cách hành chính, có cơ quan giảm 50% thủ tục hành chính để tạo
thông thoáng cho người dân, tổ chức, nhưng theo ông Quyền, một số cán bộ công
chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính để gây nhũng nhiễu, còn người dân thì hoài
nghi với những cải cách hành chính. “Khảo sát của Bộ Nội vụ công bố mới đây cho
thấy 80% người dân hài lòng với dịch vụ công ngay lập tức đã gặp phải những phản
ứng từ phía người dân, dư luận ngay khi báo chí đăng tải thông tin”- ông Quyền
nói.
Ngoài ra, theo ông Quyền, việc minh bạch tài sản còn hình thức,
đặc biệt việc công khai, kê khai bản thu nhập tài sản không có tác dụng gì nhiều
trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc thu hồi tài
sản qua thanh tra, kiểm toán thấp, chỉ đạt trên 10%; công tác phối hợp giữa cơ
quan chức năng kiểm toán - thanh tra - điều tra xử lý tham nhũng còn những bất
cập, chưa tốt. “Việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương, các cơ quan tổ chức,
đơn vị gần đây rất ít, càng gần Đại hội Đảng có vẻ như càng “chìm” đi, rất cần
phải mổ xẻ, làm rõ. Các vụ án phát hiện năm nay chủ yếu vẫn từ thôn, xã, tham
nhũng vặt thôi còn các vụ án lớn đã ít phát hiện hơn” - ông Quyền nhận định.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban
Tư pháp, nhìn nhận: “Qua nghe báo tôi thấy tình hình tham nhũng đang “tương đối
ổn định”, thể hiện qua việc tăng giảm không đáng kể. Nhưng qua nghe dư luận
nhân dân thì thấy tham nhũng vẫn tương đối phức tạp”.
Ông Đương cho rằng báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
năm 2014 vẫn chưa cụ thể về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện,
xử lý đối với các hành vi tham nhũng nên đã dẫn tới kiến nghị “vẫn như mọi
năm”: kiến nghị Quốc hội sửa luật, thể chế. “Đó là những kiến nghị rất nhạt,
năm nào cũng thế, chung chung nên chưa tạo sự chuyển biến trong phát hiện. Năm
nào cũng chỉ thu hồi được 10% tài sản tham nhũng, vậy thì phải chăng 90% kia kiến
nghị không đúng, kiến nghị để đấy và không bị thu hồi?. Có phải những vi phạm vẫn
được tồn tại, tài sản của nhà nước và nhân dân không bị thu hồi?”- ông Đương đặt
vấn đề. Theo ông, các cơ quan ban ngành phải tìm ra được tại sao lại chỉ thu hồi
được ít như thế và các giải pháp để thu hồi tài sản, đặc biệt thông qua kiến
nghị của thanh tra, kiểm toán.
Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định
báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 do Thanh tra Chính phủ xây
dựng chưa phản ánh đúng quyết tâm và thực tế khiến nhiều đại biểu băn khoăn,
nghi ngờ. Ông Phong đề nghị các ngành phải điều chỉnh lại về con số khởi tố
hình sự, chứ không thể mỗi ngành nói một kiểu, dẫn tới phản ánh một bức tranh
chưa đầy đủ. “Thống kê của Thanh tra Chính phủ chưa đầy đủ, chứ theo thống kê của
chúng tôi thì tổng số tài sản thu hồi năm nay từ các đối tượng tham nhũng chiếm
đoạt là 12,3%, chứ không phải chỉ hơn 10% đâu. Tất nhiên con số này so với năm
ngoái cũng nhích lên không đáng kể”- ông Phong nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội, khẳng định tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp,
trong khi đó việc định tội vẫn còn tình trạng không chính xác, thậm chí đi theo
hướng tội nhẹ hơn, giảm đi nên dễ gây bức xúc.
Thế Kha
Theo Người lao động
5,443
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN