Tuyển con cháu
Trao đổi với PV VietNamNet, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói,
trong tuần này, Bộ Công Thương mới có kết luận chính thức về trách nhiệm liên đới
và hình thức xử lý đối với những lãnh đạo cấp cao của Cục Quản lý thị trường
khi để xảy ra sai phạm trong thi tuyển công chức.
Cách đây 9 tháng, tháng 10/2013, Cục Quản lý thị trường tổ
chức thi tuyển công chức, thu hút 299 thí sinh nhưng chỉ tiêu chỉ tuyển 10 người.
Đây cũng là lần đầu tiên Cục Quản lý thị trường tổ chức kỳ thi tuyển công chức
theo phân cấp của Bộ Công Thương. Kết quả công bố lên, nhiều đơn thư khiếu nại
đã được gửi đến tố giác: cuộc thi lộ đề, thí sinh biết trước và cả 10 thí sinh
trúng tuyển này đều được cho là con cháu của người trong Cục.
Trước các nghi vấn trên, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85)
của Bộ Công An vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này. Đến
tuần vừa qua, Bộ Công Thương mới tổ chức họp kiểm điểm về những sai phạm này.
Cụ thể, với việc làm lộ đề, 2 cá nhân chịu trách nhiệm trực
tiếp là ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế và ông Nguyễn Đức Lê, Phó
phòng. Trong số 10 thí sinh trúng tuyển, căn cứ theo kết luận của Bộ Công An,
chỉ có 3 thí sinh có gian lận, hưởng lợi nhờ biết trước đề.
Trả lời họp báo mới đây, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ
Thắng Hải đã tóm tắt kết quả xử lý của Hội đồng kỷ luật: 1 cán bộ cấp phòng bị
hạ bậc lương và 1 cán bộ nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo. 7 thí sinh được
công nhận kết quả trúng tuyển, được nhận vào công tác ở Cục từ 1/8. Còn lại, 3
thí sinh vi phạm bị huỷ bỏ kết quả trúng tuyển.
Huỷ kết quả thi, người trúng tuyển sẽ kiện
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là, tại sao với các vi phạm
này, chỉ có 2 cán bộ cấp phòng bị xử lý, trong khi các chức danh cao nhất của Hội
đồng thi lại chậm bị xử lý?.
Cụ thể là trách nhiệm của ông Trương Quang Hoài Nam, chủ tịch
Hội đồng thi, nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hiện là Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Cần Thơ. Người thứ 2 là ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng thi
và hiện là Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, theo phân tích của ông Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên
thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, vụ việc này không đơn thuần là làm lộ
đề một kỳ thi tuyển công chức mà còn làm lộ bí mật của cơ quan Nhà nước. Thậm
chí, nếu xem xét đến cùng thì có thể phải đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự,
khởi tố vụ án.

|
Lực lượng quản lý thị trường đang đi kiểm
tra chất lượng mũ tại một cơ sở kinh doanh |
Khi đã lộ đề, cuộc thi không còn giá trị. Đã có ý kiến cho rằng,
cần phải huỷ cuộc thi và tổ chức lại. Cho đến nay, kết quả xử lý cũng chưa làm
rõ trước dư luận việc có hay không những khoản tiền "bôi trơn" để được
trúng tuyển?
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương lại khác. Thứ trưởng
Đỗ Thắng Hải lập luận, vừa rồi, ở một số tỉnh cũng có chuyện lộ đề thi. Tỉnh huỷ
hết kết quả thi thì ngay lập tức, những thí sinh đã trúng tuyển, không vi phạm
gì gửi đơn kiện.
"Quan điểm của Bộ Công Thương là những trường hợp thí
sinh nào mà Bộ Công An kết luận có vi phạm thì mới bị huỷ kết quả thi, tức
không trúng tuyển. Còn những trường hợp thí sinh khác, Bộ Công An không nhắc đến
thì tại sao lại xử lý họ", Thứ trưởng Hải nói.
Người phát ngôn của Bộ này cũng khẳng định, Bộ sẽ làm hết sức
rõ ràng về các vi phạm và trách nhiệm của từng cá nhân. Những cá nhân có sai phạm
phải bị xử lý. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận sự cống hiến của từng cá nhân
trong quá trình công tác. Trước đó, nói về hình thức kỷ luật đối với 2 cán bộ ở
Phòng Pháp chế, vị thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Đối với những trường hợp
này, chúng tôi cũng đã rất cân nhắc về mức độ xử lý kỷ luật, vì trong đó có cán
bộ là bộ đội, thương binh, có thâm niên cao trong công tác".
Ông Hải cũng thừa nhận, 3 thí sinh vi phạm là con cháu trong
Cục. Riêng về trường hợp trách nhiệm của 2 vị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường
trên, hiện Bộ vẫn đang chờ ý kiến các cấp có thẩm quyền và đang xem xét.
"Vừa rồi, Bộ đã có công văn xin ý kiến Bộ Nội vụ và Bộ
này cũng đã hồi âm. Tuy nhiên, việc xử lý cụ thể ra sao vẫn đang phải chờ thêm
ý kiến cơ quan có thẩm quyền, xem xét. Tuần này sẽ có kết quả xử lý", ông
nhấn mạnh.
Quản lý thị trường là một ngành đặc biệt, nhạy cảm, bởi đây
là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chống hàng nhái, hàng giả, chống
buôn lậu, gian lân thương mại... Đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp của cán bộ quản
lý thị trường được đề cao hàng đầu. Nếu những tiêu cực bị phát giác trên không
được xử lý nghiêm minh, truy cứu tới cùng trách nhiệm của người đứng đầu thì chắc
chắn, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đội ngũ những người đại diện bảo
vệ công lý, pháp luật.
Phạm Huyền
5,831
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN