
Gia đình anh Ngô Thế Thảo bị ảnh
hưởng nặng do bão trình bày với PV việc bị trưởng thôn buộc nộp lại tiền cứu
trợ bão lũ.
Người dân tố cáo
bị bắt ép nộp lại tiền
Sau bão số 10 (tháng
10.2013), xã Vĩnh Thái bị thiệt hại nặng nề. Để “vực” người dân bị ảnh hưởng do
thiên tai, nhiều đoàn thể, tấm lòng nhân ái đã hướng về nơi đây. Nhưng, một
thực tế đã xảy ra tại thôn Thử Luật là sau khi ký nhận tiền cứu trợ, người dân
phải nộp lại tiền cho trưởng thôn.
Anh Ngô Thế Thảo (trú
thôn Thử Luật) bức xúc: "Nhà tôi bị tốc mái trên 70%, nay đã lợp lại được
nhờ vào sự hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới. Có mấy đoàn thể đến thăm, hỗ
trợ tiền nhưng thôn thu lại. Đến giờ vẫn không thấy phát cho đồng nào”. Theo anh
Thảo thì sau bão số 10 anh ký nhận 1 phong bì có tiền hỗ trợ (không rõ bao
nhiêu tiền) bão lụt. Sau đó 1 tháng, anh Thảo đến hội trường thôn ký nhận 2
triệu đồng tiền cứu trợ dành cho gia đình bị thiệt hại nặng. Phong bì và 2
triệu đồng anh nộp lại cho Trưởng thôn Phan Ngọc Hiến vì trước đó đã được dặn:
“Ký nhận tiền xong phải đem nộp lại cho thôn”.
Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn
Thị Càng (trú thôn Thử Luật) cũng bị ảnh hưởng nặng do bão. Sau khi nhận được 2
triệu đồng ở hội trường thôn và 2,1 triệu đồng (Hội Chữ thập Đỏ tỉnh trao tại UBND
xã Vĩnh Thái) thì phải nộp lại cho trưởng thôn theo chỉ đạo. Tại thôn Thử Luật,
nhiều hộ dân khác sau khi ký nhận tiền cứu trợ cũng buộc phải nộp lại cho
trưởng thôn. Những người dân này cho biết, lý do cán bộ thôn đưa ra là: Nộp lại
để san sẻ cho bà con.
Do bà con tự san
sẻ
Một lần nữa, phóng viên
Lao Động lại tìm gặp Trưởng thôn Thử Luật (lần trước là việc cấp phát gạo cứu
đói sai đối tượng, sai số lượng) – anh Phan Ngọc Hiến. Sau bão, thôn lập danh sách
những người được nhận cứu trợ rồi đưa lên trên. “Những hộ nào bị ảnh hưởng nặng
do bão mới nằm trong danh sách này” - anh Hiến nói.
Thôn có chỉ đạo thu lại
tiền cứu trợ bão lụt của người dân không? Trước câu hỏi này của PV, anh Hiến
trả lời rằng không có chuyện đó. Nhưng khi được dẫn chứng một vài trường hợp
thì anh Hiến giải thích: “Thôn không bắt ép ai nộp lại tiền. Nhưng nếu bà con
thấy được thì có thể tự san sẻ với nhau. Còn không đồng ý thì thôi”. Cũng theo
anh Hiến thì thôn chỉ đứng ra làm trung gian, hộ này nhận được nhiều sẽ “ủng
hộ” cho thôn để “san sẻ” cho những hộ không có tiền hỗ trợ. Vị trưởng thôn này
thừa nhận: “Nói người dân có nộp tiền ở thôn cũng được mà không nộp cũng được,
vì họ tự nguyện chứ không bắt ép”.
Nhưng, người dân ở thôn
Thử Luật như anh Thảo, bà Càng, ông Nguyễn Văn Tư lại khẳng định: “Làm chi có
chuyện tự nguyện, chú nghĩ coi, tan cửa nát nhà vì bão, nhận được từng ấy tiền
hỗ trợ mà tôi lại tự nguyện đi nộp hết à” – bà Càng nói. Anh Thảo thêm vào: “Không
phải chỉ gia đình tôi mà tất cả những hộ được nhận tiền đều phải nộp lại”. Còn
ông Tư thì chua xót: “Hôm nhận tiền ở ủy ban xã, ông Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ
tỉnh Quảng Trị căn dặn tiền này giao cho người nào thì người ấy nhận. Rứa mà
cầm tiền về, cũng phải nộp cho thôn vì trước đó đã được dặn thu lại”. Ông Trần
Văn Thận – Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thái - cho biết: “Nếu có chuyện thu lại tiền
cứu trợ này, sẽ bắt cán bộ thôn trả lại tiền cho dân và xử lý nghiêm”.
Ngày 24.2, Sở LĐTBXH tỉnh
Quảng Trị đã có công văn số 247 báo cáo về sai phạm trong cứu trợ gạo tại các
xã ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Công văn cho biết: Ngay sau khi Báo Lao Động ngày
20.2 có bài viết: “Cấp phát gạo cứu đói ở Vĩnh Linh, Gio Linh: Giả dối” – sở đã
phối hợp với các địa phương kiểm tra và khẳng định những sai phạm trong việc cấp
phát gạo cứu đói như Báo Lao Động nêu là đúng sự thật. Hiện sở đang chỉ đạo các
địa phương này thu hồi lại gạo đã cấp sai để cấp đúng đối tượng, đúng số lượng
và đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá
nhân để xảy ra sai phạm.
Lâm Hưng Thơ
Theo Báo Lao động
3,081
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN