
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi, trong cuộc
họp của OPEC tại Vienna, Áo ngày 27/11 - Ảnh: AP/WSJ.
Các nước thành viên nghèo hơn trong OPEC
như Venezuela đã lên tiếng kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu nhằm chặn đà giảm
liên tục của giá dầu trong mấy tháng trở lại đây. Tuy nhiên, quốc gia quyền lực
nhất trong nhóm này là Saudi Arabia đã không chấp nhận những lời kêu gọi như vậy.
Từ trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra, giá
dầu đã chịu áp lực giảm mạnh do thị trường đã lường trước về khả năng tổ chức
này không cắt giảm sản lượng khai thác. Tuy vậy, sau khi OPEC công bố kết quả
cuộc họp, giá dầu thậm chí còn giảm với tốc độ mạnh hơn nữa.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent
giao tháng 1/2015 có thời điểm giảm 5,17 USD/thùng, tương đương mức giảm 6,7%,
còn 72,58 USD/thùng. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent dừng ở 72,82 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt
nhẹ giao tháng 1/2015 giao dịch điện tử có lúc sụt 6,9%, còn 68,59 USD/thùng.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ năm 2011, đồng thời đánh dấu lần
đầu tiên sau hơn 4 năm giá dầu tại thị trường New York tụt dưới mốc 70
USD/thùng.
Giới phân tích dự báo, giá dầu còn có thể
giảm sâu hơn.
“Thị trường còn chưa tin mức giá dầu hiện tại
đã đủ thấp để kéo sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng chậm lại. Bởi thế, trong ngắn
hạn, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ giảm dưới 70 USD/thùng và giá dầu thô ngọt
nhẹ còn giảm sâu hơn”, các nhà phân tích của Barclays nhận xét.
OPEC, tổ chức gồm 12 thành viên chiếm 1/3 sản
lượng dầu của thế giới, đã quyết định trong cuộc họp ở Vienna là sẽ duy trì mục
tiêu sản lượng 30 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hiện tại, OPEC đang sản xuất nhiều
hơn mức sản lượng mục tiêu này, nên quyết định trên đồng nghĩa với việc nhóm sẽ
cắt giảm khoảng 300.000 thùng dầu trong sản lượng mỗi ngày. Mức cắt giảm như vậy
là nhỏ bé để có thể tác động tới tương quan cung-cầu hiện tại.
Trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra, giới
phân tích cho rằng, nhóm này cần cắt giảm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày nếu muốn hỗ
trợ giá dầu. Từ đầu mùa hè tới nay, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30%.
Giá dầu giảm là một thông tin tốt lành đối
với người tiêu dùng ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu, nhất là vào thời điểm mùa
mua sắm cuối năm đang tới gần. Giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ hiện ở
mức thấp nhất trong 4 năm là 2,8 USD/gallon, từ mức 3,68 USD/gallon hồi cuối
tháng 6.
Theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs,
việc giá xăng giảm trong 6 tháng qua tương đương mức giảm thuế 75 tỷ USD cho
người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, đối với các quốc giá xuất khẩu dầu,
đây đang là một vấn đề gây lo ngại.
Nga được xem là quốc gia thiệt hại nhiều nhất
từ xu hướng hiện nay của giá dầu. Giá “vàng đen” lao dốc bị coi là “họa vô đơn
chí” đối với Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị các lệnh trừng phạt của
phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy tới bờ vực suy thoái.
Thông tin giá dầu hôm qua đã đẩy đồng Rúp của
Nga xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử
so với đồng USD.
Venezuela cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng
tiêu cực bởi giá dầu giảm. Nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang rơi vào tình trạng
kiệt quệ do sự yếu kém trong cách thức quản lý của Chính phủ cộng thêm nguồn
thu từ xuất khẩu dầu sa sút. Một số nguồn tin cho hay, cuộc họp của OPEC hôm
qua kéo dài hơn dự kiến vì tranh cãi giữa Venezuela với các nước vùng Vịnh về vấn
đề sản lượng.
Theo tờ Wall Street Journal, trong số các
thành viên của OPEC, chỉ có Qatar và Kuwait là có khả năng cân bằng ngân sách
năm 2015 với mức giá dầu hiện nay. Các nước của khối này đã quen với mức giá dầu
trên 100 USD/thùng trong hầu hết thời gian từ đầu năm 2011 tới nay.
Cổ phiếu của các công ty dầu lửa lớn tại thị
trường châu Âu cũng lao dốc mạnh trong phiên hôm qua, trong đó cổ phiếu của
Royal Dutch Shell giảm 4,3%, cổ phiếu Total giảm 4,1%, và cổ phiếu BP giảm
2,7%. Thị trường Mỹ đêm qua đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc
OPEC không cắt giảm sản lượng dầu.
Tờ Business Week cách đây ít lâu có một bài
viết cho rằng khối này đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến giá dầu” trong bối cảnh
Mỹ đang vươn lên thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhờ sản lượng dầu đá
phiến tăng mạnh. Theo một số chuyên gia, OPEC muốn giữ giá dầu thấp để giữ
khách hàng, duy trì thị phần.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, OPEC đang
hành động khôn ngoan vì giá dầu giảm sẽ giúp nền kinh tế các nước tiêu thụ dầu
hồi phục tốt. Một khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực, giá dầu sẽ tự
động tăng lên.
Diệp Vũ
Theo
Vneconomy
3,095
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN