Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm
2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội
khóa XIII cho thấy việc thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được đẩy
mạnh và đạt hiệu quả thiết thực.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành tái cơ
cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng; năng lực
tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm.
Đến hết tháng 9/2014 đã xử lý trên 53,6% tổng số nợ xấu được
xác định trong Đề án thông qua thu nợ, bán phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ, cơ
cấu lại nợ và sử dụng dự phòng rủi ro.
Trong 9 tháng VAMC đã mua trên 50 nghìn tỷ đồng, tổng số nợ
xấu đã mua lũy kế đến nay khoảng 90 nghìn tỷ đồng.
Số dư quỹ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng tính đến
tháng 8/2014 là 78,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xử lý nợ xấu.
Tính bình quân chung, giá trị tài sản bảo đảm cao gấp hơn 2
lần số nợ vay. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm
tháng 8/2014 là 12,42% (quy định pháp luật tối thiểu là 9%).
Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng dịch
chuyển theo hướng ổn định hơn và ít phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng;
trong đó tỷ lệ huy động trên thị trường liên ngân hàng trong tổng huy động giảm
từ 17,9% (vào tháng 12/2012) xuống 15,6% (vào tháng 12/213) và 13,73% (vào
tháng 9/2014).
Trong 2015, Chính phủ xác định tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức
tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng;
giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tổ
chức tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ.
Đồng thời, có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng
thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC).
Bảo đảm đến hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3% như kế hoạch đề ra.
Bình Minh
Theo Báo điện tử Chính
phủ
2,657
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN