Ba năm trước, cứ sau một thời gian ngắn thắt chặt tiền tệ để
chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước gần như lập tức nới lỏng; thậm chí, đầu năm
phanh gấp thì gần giữa năm đã thấy cho trôi tự do.
Thay một quan niệm
không dễ
Ở thời điểm đó, theo sau mỗi chu kỳ như nói trên, dường như
Ngân hàng Nhà nước chỉ chú ý và tập trung đẩy tiền ra để hạ lãi suất xuống. Đây
luôn được coi là giải pháp gần như duy nhất để cứu sản xuất sau thời gian đình
trệ do thắt chặt tiền tệ, thay vì chú ý đến sự phân bổ của nguồn lực tín dụng ở
những lĩnh vực căn cơ cũng như điều kiện tiếp cận tín dụng chuẩn mực.
Thế nên, như đứa bé khóc vòi vĩnh sẽ nín thinh khi được mẹ
cho bú; những tiếng kêu “khó vay vốn”, “ngân hàng đòi tài sản bảo đảm” ở thời
điểm đó vì thế mà ít ỉ eo.
Ba năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cuộc đại phẫu
toàn hệ thống. Với quan điểm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhà điều hành gần
như làm ngơ trước cảnh báo “đổ vỡ hệ thống” để một lúc, dẹp luôn 9 ngân hàng yếu
kém (đến nay đã xử lý được 8) nhưng không dùng đến ngân sách.
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước thu về không ít thành quả mà trước
hết, 9 ngân hàng nói trên không thể làm cái việc ngược đời là “ngân hàng bé
dâng cao lãi suất để tranh cướp vốn của ngân hàng lớn” và đi cùng là thông điệp:
“Sẽ chơi sát ván với những ngân hàng đùa bỡn với kỷ cương”.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước không ngần ngại công bố toàn bộ
số liệu nợ xấu của hệ thống, dọn đường cho việc ra đời hai đề án xử lý nợ xấu,
với nhiều giải pháp trong đó có thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức
tín dụng (VAMC) và tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 -
2015.
Có một điểm đáng chú ý ở đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu
bất cứ ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% là phải bán về VAMC và chỉ dừng lại
khi nào nợ xấu dừng ở dưới ngưỡng nói trên.
Song song, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng
hàng năm trích 20% giá trị trái phiếu nhận được từ VAMC sau khi bán nợ xấu từ
nguồn dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ xấu; đồng thời, với số nợ xấu chưa bán cho
VAMC, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải lấy lợi nhuận để
xử lý.
Vì lẽ này, gần đây, cụm từ “ngân hàng lãi khủng” đã thưa thớt
và vắng hẳn trong các bản tin truyền thông của ngân hàng. Làm như vậy, ít nhất
trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước tạm thời tránh được tiếng “lấy tiền thuế của
dân để xử lý hậu quả do lòng tham của ông chủ ngân hàng” dồn dập vang lên ở nghị
trường.
Còn tất nhiên, để có thể xử lý được dứt điểm cục nợ xấu, vẫn
còn nhiều bàn cãi xung quanh câu chuyện tiền thực và xuất xứ nguồn tiền. Nhưng
cái được lớn nhất là các ngân hàng đã tự quay về với chuẩn mực quản trị nghiêm
túc, hiện tượng vung tín dụng bừa bãi vào các tài sản rủi ro đã bị ngăn lại
đáng kể.
Không phải bỗng dưng, tại cuộc gặp mặt giữa Ngân hàng Nhà nước
và Hội Doanh nghiệp trẻ ngày 23/9, trước ý muốn nới lỏng điều kiện vay, gia
tăng cho vay tín chấp của ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Kangaroo, ông
Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank thẳng thắn: “Tiền ngân hàng là
tiền của dân. Chưa hiểu gì về doanh nghiệp mà cho vay tín chấp thì cầm chắc mất
tiền. Doanh nghiệp đưa tiền cho nhau còn kèm theo ràng buộc trả nợ thì với ngân
hàng cũng vậy thôi”.
Được gì khi “đổi ngắn
lấy dài”?
Có một yếu tố khá bất lợi cho Ngân hàng Nhà nước là quá
trình siết chặt kỷ cương tín dụng lại diễn ra đúng vào thời điểm kinh tế trong
và ngoài nước suy thoái, tổng cầu suy giảm trầm trọng. Trong khi đó, sự bê trễ
trong quản lý việc thành lập doanh nghiệp đã tạo ra đội ngũ đông đảo số lượng
nhưng tiềm lực tài chính yếu; vốn chủ sở hữu thấp, tồn tại chủ yếu dựa vào vốn
vay nhưng lại sử dụng không đúng với ngành nghề sở trường.
Thế nên, không có gì lạ, suốt từ hai năm nay, gần như ở đâu
cũng kêu “khó tiếp cận vốn”, “ngân hàng đòi tài sản thế chấp”, “tại sao nói cho
vay tín chấp mà không làm”...
Trước những áp lực này, hai năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ
chức các chuyến đi tiếp xúc thực tế với doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền để
thu thập thông tin, thậm chí, làm trọng tài phân xử luôn những mắc mớ.
Tuy nhiên, cũng từ những chuyến đi này, đã phơi bày một thực
tế không mấy vui vẻ: một bộ phận lớn doanh nghiệp vẫn quen coi vốn ngân hàng
như “của chùa”.
Kể cả khi lâm vào tình trạng giá trị doanh nghiệp bị âm, nợ
nần chồng chất, thị trường không có nhưng vẫn muốn vay đầu tư. Nói không với nới
lỏng và tín dụng dễ dãi nhưng bù lại, chính sách đang cố hướng dòng vốn này vào
những lĩnh vực căn cơ hơn.
Theo thống kê, tỷ trọng dư nợ cho bất động sản khoảng 10%,
cho vay tiêu dùng khoảng 6%, phần còn lại là sản xuất; trong đó, 5 lĩnh vực ưu
tiên được chú trọng hơn cả.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết,
năm 2007, Ngân hàng Nhà nước mua 7 tỷ USD mà lạm phát vọt lên 23%; từ 2011 đến
nay, Ngân hàng Nhà nước mua trên 30 tỷ USD nhưng CPI bình quân năm 2012 tăng
9,21% so với bình quân 2011 và 2013 tăng 6,6% so với 2012. Năm nay, CPI chắc chỉ
trên 5%.
Cùng đó, GDP 2013 tăng 5,42% nhưng tín dụng chỉ tăng 8,83%.
6 tháng đầu 2014, tín dụng tăng chưa đến 5% nhưng GDP tăng 5,18%.
“Hiện nay, cầu thị trường đang thấp, doanh nghiệp phải cẩn
trọng trong đầu tư. Phải thấy nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu, dù tháng này, CPI ở
Tp.HCM là 1%, Hà Nội 0,5% nhưng chưa phải thời điểm mùa vụ. Dù với bất cứ giá nào
thì bảo vệ các yếu tố vĩ mô, nhất là lạm phát phải đưa lên hàng đầu. Chúng tôi
đang phải căng như dây đàn, tay trái thả ra đồng nào là tay phải tính chuyện
thu về đồng đó. Vĩ mô có ổn định thì doanh nghiệp mới tính kế làm ăn lâu dài được”,
ông Bình nói.
Nguyễn Hoài
Theo VnEconomy
2,934