"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập
đoàn Tuần Châu - đã gây xôn xao dư luận, khi ngày 4/8 vừa qua, bắt tay hợp tác
với LienVietPostBank và được cam kết tài trợ tín dụng tới… 10.000 tỷ đồng
(tương đương hơn 472 triệu USD).
Tiêu 10.000 tỷ thế nào?
Tập đoàn này là chủ đầu tư của hàng loạt dự án "đình
đám" tại Quảng Ninh. Theo tiết lộ với báo giới, trong 5 năm qua, ông Tuyển
đã "đổ" tới 2.500 tỷ đồng vào các hạng mục của Dự án Thành phố cảng bến
du thuyền Tuần Châu, Ha Long Bay Marina City. Và, các dự án khu nghỉ dưỡng,
làng biệt thự siêu sang… sẽ còn "ngốn" thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa để
thành hình.
Thông tin bản hợp đồng "khủng" này không được tiết
lộ chi tiết, song ai cũng hiểu rằng cam kết của ngân hàng là một chuyện, còn để
được cấp lượng tín dụng này thì Tập đoàn Tuần Châu phải đáp ứng các điều kiện
khắt khe về dự án đầu tư, phương án sử dụng vốn khả thi, nguồn tiền trả nợ, tài
sản bảo đảm…
Được biết, Tập đoàn Tuần Châu có 18 công ty thành viên.
Trong đó, 2 đơn vị lớn nhất là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh và Công ty CP
T&H Hạ Long, có vốn điều lệ lần lượt là 700 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Số công
ty khác đều có vốn trên dưới trăm tỷ đồng.
Theo quy định của Điều 8 Thông tư số 13/2010/TT-NHNN của
Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cho vay đối với 1 khách hàng không vượt
quá 15% vốn tự có của ngân hàng; dư nợ cho vay và bảo lãnh không vượt quá 25% vốn
tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay, bảo lãnh với 1 nhóm khách hàng liên
quan tối đa là 50% vốn tự có của ngân hàng.
Với 7.271 tỷ đồng vốn tự có (đến cuối 2013),
Lienvietpostbank chỉ được phép cấp tín dụng và bảo lãnh cho 1 DN tối đa là
1.817 tỷ đồng, một nhóm DN liên quan là 3.635 tỷ đồng. Có thể hiểu, nếu nhóm 18
công ty của Tập đoàn Tuần Châu cùng được ngân hàng cho vay, thì tổng lượng tín
dụng, bảo lãnh vẫn còn cách xa con số 10.000 tỷ đồng.

Đã có nhiều bài học
đắt giá về những khoản cấp tín dụng nghìn tỷ
Câu hỏi đặt ra là, Lienvietpostbank có khả năng huy động được
lượng vốn lớn như vậy và bảo đảm cấp tín dụng đúng cam kết cho DN trong khoảng
thời gian 5 năm, hoặc 10 năm tới hay không? Ở đây, chưa rõ vai trò của
Lienvietpostbank là ngân hàng cho vay, hay là đầu mối thu xếp vốn và đồng tài
trợ vốn.
Vì hết 6 tháng năm 2014, ngân hàng mới huy động được 55.598 tỷ đồng, cho vay ra
hơn 32.857 tỷ đồng. Và, nếu "bơm" được lượng vốn trên cho Tập đoàn Tuần
Châu, tín dụng của Lienvietpostbank có khả năng tăng "thần tốc" trên
2 con số trong thời gian tới (kế hoạch năm 2014, tín dụng tăng gần 70%). Quan
trọng là DN có hấp thụ được hết lượng vốn này không, khi mà 5 năm qua, họ mới
"tiêu" hết 2.500 tỷ đồng?
Đã có ý kiến hoài nghi, lượng tiền rất lớn "bỗng
dưng" chảy vào mạng lưới công ty của "chúa đảo" Tuần Châu dường
như vì mục đích khác, cho những nhiệm vụ cần ngay trước mắt…?
Rủi ro nợ xấu
Quyết định cấp tín dụng bao nhiêu cho 1 DN và nhóm công ty
liên quan là quyền của ngân hàng, căn cứ trên khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn
cho vay và tuân thủ quy định an toàn vốn hoạt động.
Thực tế, từ năm 2013 đến nay, một số ngân hàng lớn như BIDV,
Vietinbank, Vietcombank… cũng công bố những khoản tài trợ vốn "khủng"
cho các tập đoàn, DNNN lớn phục vụ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Đơn cử, ngày 20/7 vừa qua, VietinBank cam kết tài trợ 5.909
tỷ đồng, chiếm 84% tổng mức đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân -
Cầu Giẽ. Khoản tín dụng này được giao cho nhiều chi nhánh lớn của Vietinbank
thu xếp, tài trợ vốn.
Hay Vietinbank tham gia tài trợ 3.300 tỷ đồng cho dự án đường
dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc
gia đầu tư), tài trợ 5.400 tỷ đồng cho dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả…
Trước đó, Vietcombank cũng cam kết tài trợ 1.300 tỷ đồng cho
dự án Khai thác hầm lò mỏ than Khe Chàm II - IV của Công ty Than Hạ Long (thuộc
Vinacomin). Đầu năm 2013, BIDV cũng ký hợp tác cam kết tài trợ tín dụng 10.200
tỷ đồng cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) trong giai đoạn
2013 - 2015.
Tuy nhiên, việc tập trung tín dụng quá lớn cho 1 hay nhóm DN
liên quan luôn tiềm ẩn rủi ro cũng lớn không kém, nếu việc thẩm định, đánh giá
kỹ lưỡng dự án, sức khỏe tài chính của DN, thiếu kiểm soát dòng vốn… Đã có nhiều
bài học đắt giá về những khoản cấp tín dụng nghìn tỷ, cho vay vượt tỷ lệ quy định,
lừa đảo chiếm đoạt vốn vay xảy ra trên thực tế.
Điển hình nhất là khoản tín dụng hơn 3.099 tỷ đồng mà
Agribank đã cấp cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam đầu tư Nhà máy Dệt may
xuất khẩu (tại tỉnh Ninh Bình). Quá trình cho vay đã có nhiều sai phạm, gây thiệt
hại nặng nề cho ngân hàng, mà đến giờ, khả năng xử lý, thu hồi khối nợ xấu trên
3.000 tỷ đồng là khá mong manh.
Hay các khoản vay tài trợ dự án xây dựng các nhà máy sản xuất
phôi thép ở Hải Phòng đã đưa đến hệ quả là nhà máy ngừng hoạt động, thua lỗ nặng,
chủ DN mất khả năng trả nợ… Các ngân hàng đồng tài trợ vốn đã không dám siết nợ,
kiện đòi DN, mà chỉ lặng lẽ "dọn dẹp" nợ xấu.
Khi những hợp đồng tài trợ vốn nghìn tỷ đồng không được ngân
hàng đánh giá đầy đủ về tính khả thi, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp,
khả năng thu hồi nợ, rủi ro phát sinh… mà chỉ là cách "phù phép" cho
vay để phục vụ mục đích khác thì nợ xấu sẽ càng khủng khiếp hơn.
Thu Hằng
Theo Thời báo kinh doanh
3,876
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN