
Con số nợ xấu mới nhất, vào thời điểm 31-12-2013 của
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước là 5,66%. (Ảnh: TBKTSG)
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
trả lời trên báo Tuổi Trẻsáng nay (18-2) về việc điều chỉnh Thông tư 02
đã cho biết, cơ quan này sắp ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 02 về phân loại
nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng. Theo đó, để không gây sốc cho thị trường,
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản
vay tốt.
Cụ thể, theo Thông tư 02
hiện hành (chưa sửa đổi), căn cứ vào thống kê của Trung tâm thông tin tín dụng
của NHNN (CIC), nếu khách A có nợ xấu thuộc nhóm 5 ở một ngân hàng thì tất cả
khoản vay ở các ngân hàng khác cũng phải chuyển nhóm lên nhóm 5.
Nay, theo Thông tư sẽ ban
hành, quy định này sẽ được hoãn lại. Ngoài ra, các khoản nợ dù vi phạm nhưng
bản chất đang tốt thì các tổ chức tín dụng phải khắc phục, không chuyển lên
nhóm có rủi ro cao hơn chứ không đưa vào diện nợ xấu như quy định tại Thông tư
02...
Vì sao các ngân hàng thở
phào? Bởi đây là điều họ lo nhất. Nếu tính theo cách Thông tư 02 đưa ra ban
đầu, nợ xấu của các ngân hàng sẽ đội lên ít nhất gấp 2 lần, và tỷ lệ nợ xấu
toàn hệ thống sẽ không dưới 15% theo một số chuyên gia tài chính.
“Việc sửa đổi này của
Thông tư 02 đúng là đỡ hơn rất nhiều cho ngân hàng”, theo Tổng giám đốc một
ngân hàng cổ phần tại TPHCM. Ông phân tích: quy định nghiêm khắc với các nhóm
nợ không phải không đúng nhưng thực tế có những thiên biến vạn hóa mà nếu áp
dụng nguyên xi Thông tư 02 chưa sửa đổi sẽ rất căng thẳng cho ngân hàng và
doanh nghiệp. Ông ví dụ, một doanh nghiệp đang thi công một số công trình trọng
điểm hạ tầng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Họ vay thêm vốn ở 10 ngân hàng.
Nhưng ngân sách thì luôn về chậm, doanh nghiệp không trả được lãi ở một ngân hàng.
Khoản nợ đó được tính vào nợ xấu và báo cáo lên CIC. CIC ngay lập tức thông tin
đến 9 ngân hàng còn lại và 9 ngân hàng còn lại ngừng giải ngân cho vay, chuyển
nợ của doanh nghiệp A vào nợ xấu. A không thể bê nhà xây dở đi bán, lại bị phạt
vì chậm tiến độ công trình, không vay thêm được từ bất cứ ngân hàng nào. Doanh
nghiệp lập tức đóng cửa. Ngân hàng đi theo.
Một điểm thứ hai Thông tư
02 sửa đổi dự kiến sẽ điều chỉnh, theo nguồn tin của TBKTSG Online, là
các khoản nợ xấu trước đây phải chuyển nhóm theo khuyến cáo của Cơ quan thanh
tra Ngân hàng Nhà nước tạm thời sẽ dừng. Hiện nay, cơ quan thanh tra sau mỗi
đợt thanh tra sẽ đưa ra một danh sách “khuyến cáo” mà các ngân hàng sẽ phải di
dời các khoản nợ trong danh sách đó qua nhóm 3 (thành nợ xấu). Trong đó có
nhiều khoản nợ dù không làm sai quy định cho vay nhưng thanh tra thấy thiếu hồ
sơ, mục đích cho vay chưa rõ ràng, quy trình thủ tục không chuẩn hoàn toàn cũng
đưa vào khuyến cáo.
Ví dụ, ngân hàng cho vay
công ty B thu mua thủy sản. Về nguyên tắc tất cả các chứng từ thu mua phải hợp
pháp. Nhưng nông dân bán thủy sản cho doanh nghiệp nhiều khi chỉ có bảng kê
viết tay chứ không có chứng từ, hợp đồng chính thức. Nếu bảng kê đó không được
cập nhật, khoản vay đó thanh tra cũng đưa vào “khuyến cáo”. Ngay lập tức nợ đó
vào nhóm 3. Doanh nghiệp bị cắt nguồn vay mà cũng không vay được đâu cả.
Trao đổi qua điện thoại
với TBKTSG Online, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu
Nghĩa nói thêm: “Nếu thực hiện các quy định đó ngay, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng rất
mạnh. Trong bối cảnh này, chúng tôi sẽ hoãn thực hiện việc đó vào 2015”.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước
sẽ có các đợt thanh tra các tổ chức tín dụng khác trong năm 2014, theo hai
dạng, thanh tra chuyên đề (ví dụ như về tín dụng, cho vay chéo…) và thanh tra
pháp nhân (với từng ngân hàng một) và sau đó sẽ đưa ra yêu cầu thay đổi với
từng ngân hàng.
“Năm 2014 có quá nhiều
việc để làm. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra một số ngân hàng và kiểm toán
chất lượng tín dụng ở một số tổ chức, rà soát một lần nữa nợ xấu theo Thông tư
02 để có bức tranh thành thật hơn”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho biết,
nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể sau đợt mua nợ xấu đầu tiên của
VAMC. “Con số nợ xấu mới nhất, vào thời điểm 31-12-2013 chúng tôi có là 5,66%”,
ông nói.
Hồng Phúc
Theo TBKTSG
2,792
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN