Ý kiến của một số chuyên gia nhận định, việc thực hiện một chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ dường như đang gặp thách thức, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính.
Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 của
Chính phủ mới đây tiếp tục đưa ra thông điệp yêu cầu các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề
án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các
khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành
nghề kinh doanh chính).
Một lần nữa Chính phủ khẳng định, việc
thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ
cấu doanh nghiệp nhà nước.
Từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành
nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai,
minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.
Ý kiến của một số chuyên gia nhận định,
việc thực hiện một chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ dường như đang
gặp thách thức, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tìm cách trì
hoãn, thậm chí né tránh việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài
ngành nghề chính.
Trong Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Công
nghiệp Cao su Việt Nam vừa trình Chính phủ, đơn vị này xin được bổ sung
ngành đầu tư khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đây
là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề chính mà Tập đoàn phải hoàn tất
thoái vốn trước năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
(Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đề xuất xin
được giữ lại phần vốn tại lĩnh vực bảo hiểm và tài chính.
Theo lý giải của Chủ tịch Hội đồng thành
viên PetroVietnam Phùng Đình Thực, Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu
khí (PVFC) được hình thành từ năm 2000, không như các đơn vị tài chính
khác thành lập theo phong trào, mục đích của việc thành lập công ty này
nhằm thu xếp vốn cho Petrovietnam, đó là nhiệm vụ cần thiết, do vậy
Petrovietnam kiến nghị phương án thoái vốn xuống 20%.
Tương tự với Tổng công ty cổ phần Bảo
hiểm Dầu khí (PVI) Petrovietnam cũng đề nghị đến năm 2015 thoái vốn
xuống còn 18%, đây là doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành được hình thành
từ năm 1986 thực hiện trách nhiệm tham gia quản lý rủi ro các tài sản
công trình dầu khí.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn
Xăng dầu Việt Nam lại có lý lẽ khác hơn, Petrolimex dùng các định chế
tài chính để sử dụng các dịch vụ thuần tuý, chứ không cân đối nguồn vốn.
Khác với việc đi đầu tư ngoài ngành,
Petrolimex thành lập công ty bảo hiểm Pijico cách đây 17 năm và đây gần
như cũng là công ty bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam hoạt động có hiệu quả,
việc thoái vốn Tập đoàn phải tính làm sao để đảm bảo hài hoà bởi ở đây
còn có cả quyền lợi của cổ đông.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công
bố tuần qua cho thấy: Tính đến cuối năm 2010 tổng vốn đầu tư tài chính
ngoài ngành của các đơn vị được kiểm toán là hơn 37.700 tỷ đồng, cá biệt
có đơn vị đầu tư ra ngoài ngành tới 12% vốn điều lệ.

Mặc dù tỷ lệ đầu tư ngoài ngành
so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các tập đoàn, tổng công
ty không lớn nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước điều này đã
ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh chính và thực hiện
nhiệm vụ chính trị được giao.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị cần
đẩy nhanh thoái vốn với những khoản đầu tư không hiệu quả cũng như giám
sát chặt quá trình thoái vốn này.
Còn theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh
Tiến Dũng, một trong những ưu tiên trong quá trình thực hiện kế hoạch
kiểm toán hàng năm đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tới đây
đó là sẽ kiểm toán việc thực hiện thoái vốn của các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước có đúng với phương án được các cấp thẩm quyền phê duyệt và
việc thoái vốn có bảo đảm các quy định pháp luật hay không.
Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung: Khi chốt thời điểm các tập
đoàn, tổng công ty phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính
trước năm 2015, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa, từ nay đến năm
2015, thời gian còn khá nhiều, trong khi việc tổ chức triển khai thoái
vốn mới chỉ ở giai đoạn đầu, do vậy không thể vội vàng đưa ra kiến nghị
giãn thời gian thực hiện. “Mới chỉ bắt đầu vào việc mà đã ngại khó, ngại
khổ, thì một chính sách dù ưu việt đến mấy cũng khó phát huy hiệu quả
như mong muốn của người làm chính sách”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo chinhphu.vn