Sáng sớm 18-4, hàng chục người dân đã
vây bắt 2 xe chở gỗ qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Không cần tiền, chỉ muốn giữ rừng
Anh Chanh, một người dân tham gia vây bắt,
cho biết đã nhiều lần lâm tặc vận chuyển gỗ qua địa bàn. “Những lần trước, xe
chạy rất nhanh nên chúng tôi không bắt được. May mắn, lần này chiếc xe bị nổ vỏ
phải dừng lại nên bị chúng tôi bắt giữ”. Cũng theo anh Chanh, khi người dân ra
vây bắt xe gỗ thì tài xế gọi điện cho ai đó. Một lúc sau, một người đàn ông địa
phương thường được gọi tên ABoy đến thương lượng đề nghị thả cho 2 xe gỗ đi, đồng
thời đưa người dân 5 triệu đồng. “Dân làng chúng tôi nghèo thật nhưng không cần
tiền mà chỉ muốn giữ lại rừng” - anh Chanh nói.

Nhiều người dân tham gia bắt gỗ do lâm tặc
vận chuyển
Sau khi không thể thuyết phục được người
dân, 2 tài xế cho xe đổ toàn bộ 10 lóng gỗ rộng từ 40-80 cm, dài 3-3,5 m xuống
khu vực nhà rông làng Kon Sơ Lak rồi lái xe bỏ chạy.
Sau khi nhận được tin từ phóng viên Báo
Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Cư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, đã cử
người vào đo đạc, xác định tổng khối lượng 10 lóng gỗ trên 2 xe là 8,9 m3 gỗ tròn
(nhóm II), đồng thời tiếp cận hiện trường khai thác. Khoảng 30 thanh niên đã đưa
cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah vào hiện trường.
“Phải đưa vào hiện trường để chỉ cho cơ quan chức năng thấy lâm tặc phá rừng khủng
khiếp như thế nào” - một người dân nói.
Lâm
tặc mở đường vận chuyển gỗ
Ngược theo con đường 2 chiếc ô tô chở gỗ
cách trụ sở UBND xã Hà Tây gần 10 km, một thanh niên dẫn đường chỉ vào những gốc
cây nhỏ mới bị chặt vừa khô nhựa và nói. “Chỉ riêng mở đường vào đây, lâm tặc
đã chặt hạ hàng ngàn cây lớn nhỏ”. Anh Nhàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ
Đông Bắc Chư Pah, thừa nhận: “Thú thật, đây là lần đầu tôi đi trên con đường
này”.
Sau gần 2 giờ đi bộ vượt qua những con dốc
dài thẳng đứng, chúng tôi đến điểm khai thác gỗ đầu tiên. Tại đây, hàng chục
cây gỗ đường kính từ 60 cm đến hơn 1 m bị hạ sát không thương tiếc, nằm la liệt
ở một khoảng rừng. Đặc biệt, có những cây phải 4 người ôm mới vừa tay. Một số
cây đã được cắt khúc, xẻ thành hộp vuông; những cây khác thì mới chỉ bị chặt
ngã, đang còn rỉ nhựa. Anh Đỉu, một thành viên trong đoàn, thốt lên: “Xót xa lắm!
Chúng tôi đã nhiều lần báo chính quyền xã về việc lâm tặc vào phá rừng nhưng
không thấy xử lý”.
Cả đoàn người lần theo tiếng cưa ở một
góc rừng, cũng là điểm khai thác được người dân phát hiện. Riêng những cán bộ
kiểm lâm, lâm trường không thấy đi theo, chắc vì… mệt. Khi tiếng cưa nghe rất gần
thì bỗng im bặt. Anh Chanh đưa mắt nhìn xung quanh rồi cầm hòn đá ném về phía bụi
rậm, một người đàn ông chạy vụt ra và mất tích trong rừng sâu. Kiểm tra vị trí
người đàn ông “ẩn mình”, chúng tôi phát hiện một cưa máy và đồ phụ trợ vừa mới
tắt máy đang còn nóng. Cách đó mấy mét, một gốc cây lớn đang bị cưa chưa đổ.
“Quanh đây vẫn còn mùi xăng, chứng tỏ họ vừa dùng cưa cắt cây gỗ” - anh Chanh
nhận định.
Tại địa điểm này có vô số gốc cây hàng
trăm năm tuổi, chủ yếu là gỗ sao và dầu, đã bị đốn hạ đang còn rỉ nhựa tươi.
Để mất
rừng, dân… chịu trách nhiệm
Sau khi vào rừng, dù không có dụng cụ
xác định vị trí, tọa độ nhưng những cán bộ lâm trường vẫn cho rằng vị trí này
đã được giao cho người dân quản lý. Để lâm tặc phá rừng là do người dân không
quản lý tốt và không báo cáo sự việc lên các ngành chức năng.
Ông Đinh Sứk, Chủ tịch UBND xã Hà Tây,
cho biết không hề nghe người dân ý kiến gì về việc lâm tặc phá rừng. “Nếu dân
phản ánh thì chúng tôi sẽ cho lực lượng dân quân, công an xã đến giải quyết” -
ông Sứk khẳng định.
Theo ông Trần Đức Thiên Thái, có thể do
người dân sợ trách nhiệm khi để xảy ra mất gỗ trên địa bàn mình đã nhận khoán nên
không dám báo chính quyền. “Họ đã nhận tiền giao khoán nên phải có trách nhiệm
bảo vệ rừng, để mất thì cũng… tội cho người dân” - ông Thái nói và cho biết ở địa
bàn có 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách nhưng không ai phát hiện sự việc và nhận được
phản ánh của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng Ban Quản
lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, cho biết địa điểm bị khai thác gỗ thuộc tiểu
khu 185, đã giao cho người dân quản lý nên người dân phải chịu trách nhiệm.
Chuẩn
bị kiểm kê rừng bị mất Lý giải về việc lâm tặc vận
chuyển gỗ qua con đường độc đạo có trạm của Ban Quản lý rừng Đông Bắc Chư
Pah, ông Thuận khẳng định: “Từ tháng 2-2015 đến nay, cứ tối thứ sáu là chúng
tôi rút toàn bộ người ra khỏi trạm đặt ở làng Kon Sơ Lal. Có thể lâm tặc lợi dụng
thời gian này để vận chuyển gỗ”. Ông Nguyễn Ngọc Cư cho biết
chuẩn bị phối hợp với Công an huyện Chư Pah, người dân nhận khoán vào kiểm kê
rừng bị mất, sau đó sẽ báo cáo lên huyện và có phương hướng xử lý. |
Bài và ảnh: Hoàng Thanh
Theo
Người Lao Động
2,680
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN