Người ta thường nói “vô phúc đáo tụng đình”. Câu
thành ngữ ấy chẳng sai với những ai thường theo dõi các phiên tòa xử. Có
những vụ án hành vi của bị cáo gây phẫn nộ cho người nhà bị hại,
lan sang cả những người dự tòa. Tuy nhiên, cũng có những vụ án kết
cuộc có hậu, tốt đẹp mang lại niềm vui cho cả gia đình bị cáo lẫn
bị hại làm người tham dự cũng lâng lâng một cảm xúc khó tả.
Đến giờ tôi vẫn nhớ nụ cười và niềm hạnh phúc của những
bị hại đặc biệt này sau phiên tòa. Tôi nhớ như in phiên tòa xử bị cáo
L.Đ.T.T. (24 tuổi) tại TAND quận 8, TP HCM về tội “Giao cấu với trẻ
em”. Chuyện cũng chẳng có gì lớn, nhất là khi người ta trẻ và yêu nhau nhưng
lại thành chuyện to trước tòa. Được tại ngoại, em đến dự tòa với dáng người
gầy cọc trong chiếc áo sơ mi phai màu, mang đôi dép lê mòn đế. Phòng
xử hôm ấy chật kín người, đều là bà con trong xóm lao động nghèo dưới
chân cầu Bình Đông, đến tòa để “động viên thằng nhỏ vì nó khờ lắm”.
Tất cả những người dự khán đều ngồi co ro bên dưới, lắng nghe từng
câu từng lời của vị chủ tọa. Trong lúc đại diện viện kiểm sát công
bố cáo trạng, đâu đó bên ngoài có tiếng khóc thét của trẻ nhỏ. Từ
vành móng ngựa, T. lo lắng, đưa mắt nhìn ra phía cửa rồi quay xuống
nói khẽ với mẹ: “Mẹ đưa bình sữa cho vợ con”.
Giờ nghị án, thấy cảnh con gái T. lẫm đẫm bước
đến vành móng ngựa bập bẹ kêu “cha, cha” đã xót. Đến lúc nghe tòa hỏi dồn
tội T. hàng xóm lại càng nhấp nhổm, lo âu. Lúc nghe vị chủ tọa tuyên án tù, đôi
mắt T. đỏ hoe, mặt nhợt nhạt, nghẹn lời nói không thành câu: “Em đi tù
rồi không biết ai nuôi hai đứa nhỏ đây”.

L.Đ.T.T. và con gái sau phiên xử
Trong căn nhà nhỏ, chật hẹp nằm sâu trong con hẻm
ngoằn ngoèo gần chợ Bình Đông, quận 8, mẹ T. nghẹn ngào: “Thằng T.
và con H. thương nhau thiệt lòng, khi quen nhau T. có đưa H. về thưa
chuyện. Thương hoàn cảnh H. mồ côi cha, mẹ cũng bỏ đi biệt xứ, con
nhỏ sống với bà ngoại nhưng bà cũng già yếu không nuôi nổi cháu”.
Giằn nước mắt, mẹ T. tiếp tục: “Thấy hai đứa
quấn quýt nhau như sam, tui đem trầu cau sang nhà nói chuyện và con H.
thành con dâu tui khi vừa sang tuổi 15. Con nhỏ còn trẻ con, ăn chưa no
lo chưa tới nên tui phải uốn nắn, dạy dỗ từng chút một. Tui buôn gánh
bán bưng, con nhỏ cũng ít chữ nên tui tập tành, dạy cho nó buôn bán”.
Về sống chung chưa được bao lâu thì cô vợ trẻ cấn
thai. Hằng ngày T. theo cha đi phụ hồ. Niềm vui lớn dần theo từng ngày
dù tương lai cũng chưa mấy sáng sủa. Rồi một bữa, chỉ vì vợ thèm ăn bánh ướt
nóng nhưng chồng mua đồ nguội lạnh nên cặp đôi này xảy ra cãi vã, rượt nhau
chạy có cờ khắp xóm. "Nghe ồn ào, cảnh sát khu vực mời lên làm
việc thì mới biết H. chưa thành niên và em bị công an lập hồ sơ xử
lý”- anh chồng trẻ dại kể.
Sau phiên xử, T. làm đơn kháng cáo xin được hưởng
án treo để đi làm nuôi hai con nhỏ. Trong thời gian chờ xét xử phúc
thẩm, T. chỉ quanh quẩn trong nhà. Người cha trẻ này chẳng có tâm trạng làm
việc, nơm nớp lo chuyện mình phải đi tù, không ai lo cho vợ cùng 2 đứa con thơ.
Có bữa, đang chạy xe trên đường nhưng T. cứ suy nghĩ bâng quơ đến độ suýt đâm
phải cột đèn. Hôm tòa xử phúc thẩm, lo sợ và hồi hộp đan xen, chịu không
nổi, T. cùng gia đình đón xe buýt đến tòa từ rất sớm rồi nhờ một người
hàng xóm ngồi bên ngoài trông 2 đứa nhỏ, nói vài câu động viên vợ xong líu ríu
bước vào đứng trước vành móng ngựa.
Sau khi cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy
trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm T. có nơi ở và việc làm ổn
định, bên cạnh đó cô gái đã có đượcgia đình chồng yêu thương, chăm sóc
(điều này đã được hàng xóm ghi nhận) nên tòa tuyên T. phạm tội “Giao
cấu với trẻ em” nhưng không áp dụng hình thức phạt tù. Nghe tòa kết án
xong cả xóm và người thân đều chạy đến chia vui với T. Riêng T. nắm tay vợ con
ra về trong vẻ hân hoan khó tả.
Bẵng đi một thời gian, vào một buổi chiều, khi tôi
chạy đang chạy xe trên Bến Bình Đông bỗng nghe có tiếng gọi giật ngược.
Người thanh niên hôm nào với khuôn mặt bầu bĩnh hơn, mừng rỡ nói: “Giờ
hai đứa nhỏ đã lớn hơn rồi, em cũng cố gắng làm lụng để lo cho tụi
nó. Mai mốt em cố dành dụm được số tiền lớn hơn sẽ đi học nghề để
có công ăn việc làm ổn định lo cho vợ con”.
Một phiên tòa có hậu cũng làm người tham dự vui lây
khác là phiên tòa phúc thẩm xử chàng thanh niên ở huyện Hóc Môn, TP HCM lỡ ăn
trái cấm sớm. Do có tình cảm với nhau nên H.T.Đ. (SN 1994) thường xuyên
chở bạn gái N.H.C.T. (SN 1998) đi ăn uống, xem phim. “Lửa gần rơm lâu
ngày cũng bén”, trong một lần cha mẹ vắng nhà, Đ. chở T. về nhà chơi,
không kềm được cảm xúc tuổi mới lớn Đ. ngỏ ý muốn “vượt rào”, T. im
re.
Cứ ăn rồi thành quen. Bên nhau mãi bén mùi. Đến một
ngày thấy con có biểu hiện khác thường nên cha mẹ T. dẫn đi khám thì
phát hiện con gái đã mang thai nên đồng ý cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng.
Ngày cưới cận kề, vì hục hặc một số chuyện nên gia đình T. làm đơn
tố cáo chàng rể. Lúc này mới có chuyện. Xét thấy cả hai còn quá trẻ,
T. cũng vừa sinh con và được gia đình người tình chăm sóc chu đáo nên
TAND huyện Hóc Môn tuyên phạt Đ. 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thế
nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ mấy ngày sau, gia đình Đ. nhận được
quyết định kháng nghị sửa án treo thành tù giam của VKSND cùng cấp.

"Mẹ chồng" T. (bìa trái) sợ cháu bị
nắng nên đón xe con đưa dâu tham dự phiên tòa
Ngày tòa xử, “mẹ chồng” T. sợ nắng nôi nên thuê
xe ô tô đưa cháu nội cùng con dâu đến dự tòa. Vẫn còn trẻ con, Đ. và
T. ríu rít nắm tay nhau cười đùa bên hành lang phòng xử chỉ người mẹ là
lo lắng. Bà phân trần: “Hai đứa còn quá nhỏ, T. sanh con xong tui lo hết,
con nhỏ còn vụng về lắm. Giờ đứa nhỏ bụ bẫm quá hai bên gia đình ai
cũng cưng hết. Đợi cho con dâu 18 tuổi tui sẽ chở hai đứa đi đăng ký
kết hôn”.
Tuy nhiên, sau lý là đến tình. Xét thấy T. đã dọn
về ở cùng gia đình bạn trai và hai bên gia đình đã chấp thuận, đứa
bé cần có bàn tay chăm sóc của cả cha lẫn mẹ nên VKSND TP HCM đã rút
kháng nghị tăng án, yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nhận thấy mức
án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo của tòa sơ thẩm là hợp lý nên
TAND TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm.

Đôi "vợ chồng nhí" cười híp mắt sau
phiên xử
Sau phiên tòa “đôi vợ chồng nhí” chạy vụt ra
trước cổng nựng nịu đứa con thơ. Nụ cười giòn tan và đôi gò má ửng
hồng của người mẹ trẻ khiến những người xung quanh vui lây dù trời đang
nắng nóng như đổ lửa. Thấy hai đứa con quấn quít mà quên chuyện đi về, người mẹ
lấy vội chiếc nón lá trên xe che cho cháu rồi hối đứa con dâu lên xe về
nhà “kẻo nắng tội nghiệp thằng nhỏ”.
Bài
và ảnh: Phạm Dũng
Theo
Báo Người Lao Động
4,316
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN