
Ngân hàng được áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng từ 15/9/2025 (Hình từ Internet)
Ngân hàng được áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng từ 15/9/2025
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Tại Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định phương pháp xếp hạng nội bộ tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng như sau:
- Phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating-based approach - IRB) cho rủi ro tín dụng khách hàng là phương pháp để tính tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng quy định tại Chương III Thông tư 14/2025/TT-NHNN. Phương pháp xếp hạng nội bộ bao gồm phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản và phương pháp xếp hạng nội bộ nâng cao.
-Phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản (Foundation internal rating - based approach - FIRB) là phương pháp xếp hạng nội bộ trong đó ngân hàng phải tự đưa ra ước tính về xác suất vỡ nợ (PD). Ngân hàng phải sử dụng các tham số rủi ro liên quan khác theo quy định tại Thông tư này đối với khoản phải đòi doanh nghiệp và khoản mua lại khoản phải thu doanh nghiệp.
- Phương pháp xếp hạng nội bộ nâng cao (Advanced internal rating-based approach - AIRB) là phương pháp xếp hạng nội bộ trong đó ngân hàng phải tự đưa ra ước tính về xác suất vỡ nợ (PD), tỷ lệ tổn thất khi khách hàng vỡ nợ (LGD), giá trị khoản phải đòi tại thời điểm khách hàng vỡ nợ (EAD) đối với khoản phải đòi bán lẻ và khoản mua lại khoản phải thu bán lẻ.
Quy định tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng theo phương pháp xếp hạng nội bộ
Tại Điều 31 Thông tư 14/2025/TT-NHNN áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ cho các loại tài sản được quy định như sau:
(1) Ngân hàng phải phân loại tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính theo quy định tại Thông tư 14/2025/TT-NHNN và quy định nội bộ của ngân hàng, trừ Tài sản có rủi ro tín dụng đối tác (RWACCR):
- Tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính được phân loại thành 04 loại tài sản: khoản phải đòi doanh nghiệp, khoản phải đòi bán lẻ, khoản mua lại khoản phải thu và các tài sản khác;
- Loại tài sản được phân loại thành các nhóm tài sản theo quy định gồm: Khoản phải đòi doanh nghiệp, Khoản phải đòi bán lẻ và Khoản mua lại khoản phải thu;
- Ngân hàng được phân loại nhóm tài sản thành tiểu nhóm theo quy định nội bộ của ngân hàng.
(2) Ngân hàng được lựa chọn áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ hoặc phương pháp tiêu chuẩn cho từng nhóm, tiểu nhóm tài sản phù hợp với hoạt động của ngân hàng. Trường hợp ngân hàng áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ cho một nhóm hoặc tiểu nhóm tài sản thì phải áp dụng trên toàn bộ các khoản phải đòi trong nhóm hoặc tiểu nhóm tài sản đó, trừ khoản phải đòi trong nhóm hoặc tiểu nhóm tài sản bắt buộc áp dụng phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.
(3) Ngân hàng được áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ cho từng loại tài sản Khoản phải đòi doanh nghiệp, Khoản phải đòi bán lẻ, Khoản mua lại khoản phải thu và đảm bảo loại tài sản được lựa chọn áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ phải đáp ứng tỷ lệ bao phủ tối thiểu 70% trên cơ sở riêng lẻ (không bao gồm công ty con đối với ngân hàng thương mại) như sau:
RWACR(IRB) đối với khoản phải đòi trong một loại tài sản
___________________________________________________
|
>=
|
70%
|
[RWACR(SA) + RWACR(IRB)] đối với khoản phải đòi trong một loại tài sản
|
Trong đó:
- RWACR(IRB) là tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng cho tài sản áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ;
- RWACR(SA) là tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng cho tài sản áp dụng phương pháp tiêu chuẩn.
(4) Ngân hàng phải duy trì tỷ lệ bao phủ tối thiểu 70% kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ.
Áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng khách hàng từ 15/9/2025
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 14/2025/TT-NHNN việc thực hiện phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng khách hàng và tính tỷ lệ an toàn vốn như sau:
(1) Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, ngân hàng có khả năng thực hiện phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng quy định tại Chương III Thông tư 14/2025/TT-NHNN:
(i) Được gửi văn bản đăng ký cho Ngân hàng Nhà nước kèm Kế hoạch triển khai áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ theo quy định tại Phụ lục VII kèm theo Thông tư 14/2025/TT-NHNN;
(ii) Thực hiện quy định về giai đoạn chuyển đổi sang phương pháp xếp hạng nội bộ như sau:
- Ngân hàng phải thực hiện Kế hoạch triển khai áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ đã gửi Ngân hàng Nhà nước.
- Ngân hàng phải thuê tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng để đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phương pháp xếp hạng nội bộ theo quy định tại Thông tư này (bao gồm cả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, hệ thống, công cụ tính vốn phục vụ phương pháp xếp hạng nội bộ, tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ sàn đầu ra).
- Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tự đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phương pháp xếp hạng nội bộ theo quy định (bao gồm cả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, hệ thống, công cụ tính vốn phục vụ phương pháp xếp hạng nội bộ, tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ sàn đầu ra).
- Trong giai đoạn chuyển đổi, ngân hàng phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước báo cáo đánh giá của tổ chức kiểm toán độc lập (nếu có) và báo cáo của ngân hàng về việc tự đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phương pháp xếp hạng nội bộ kèm tài liệu có liên quan trước ngày 15 tháng 4 hàng năm.
(2) Ngân hàng được đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ theo quy định khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
(i) Sau thời gian tối thiểu 02 năm kể từ ngày ngân hàng có văn bản đăng ký gửi Ngân hàng Nhà nước nêu tại điểm a(i) khoản này;
(ii) Có 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận được tổ chức kiểm toán độc lập và Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá đã tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phương pháp xếp hạng nội bộ theo quy định tại Thông tư này (bao gồm cả hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, hệ thống, công cụ tính vốn phục vụ phương pháp xếp hạng nội bộ, tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ sàn đầu ra) phù hợp với phạm vi đề nghị chấp thuận;
(3) Kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ngân hàng thực hiện như sau:
(i) Áp dụng chính thức phương pháp xếp hạng nội bộ để tính tài sản có rủi ro tín dụng và các quy định khác tại Thông tư 14/2025/TT-NHNN;
(ii) Không phải tuân thủ mức tối thiểu về tỷ lệ an toàn vốn được tính theo phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Chương II Thông tư 14/2025/TT-NHNN;
(iii) Dừng thực hiện các Thông tư quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều 82 Thông tư 14/2025/TT-NHNN trong trường hợp ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước ngày 01 tháng 01 năm 2030.
- Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trên đây là nội dung Ngân hàng được áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng từ 15/9/2025.
12