Thụ tinh nhân tạo là gì? Thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025

Chính phủ ban hành Nghị định 207 quy định chi tiết về khái niệm thụ tinh nhân tạo là gì? Và thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025.

Thụ tinh nhân tạo là gì? Thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025

Thụ tinh nhân tạo là gì? Thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025 (Hình từ internet)

Thụ tinh nhân tạo là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 207/2025/NĐ-CP có quy định cụ thể về khái niệm thụ tinh nhân tạo là phương pháp đưa tinh trùng sau khi đã được lọc rửa vào buồng tử cung của người phụ nữ để tạo điều kiện thuận lợi cho sự thụ tinh.

Thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025

Ngày 15/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 207/2025/NĐ-CP quy định về việc hiến, nhận, sử dụng, lưu giữ, gửi tinh trùng, noãn, phôi; sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (có hiệu lực từ ngày 01/10/2025).

Trong đó, căn cứ tại Điều 14 Nghị định 207/2025/NĐ-CP có quy định cụ thể chi tiết về hồ sơ và thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

- Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:

+ Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 207/2025/NĐ-CP;

+ Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của bên mang thai hộ hoặc bên nhờ mang thai hộ hoặc giấy tờ tự chứng minh mối quan hệ thân thích cùng hàng của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 207/2025/NĐ-CP trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan có công chứng, chứng thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ;

+ Giấy tờ chứng minh người mang thai hộ đã từng sinh con gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con người mang thai hộ hoặc bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mang thai hộ;

+ Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

- Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 207/2025/NĐ-CP, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải khám sức khỏe cho người mang thai hộ, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ; xác nhận về việc người vợ bên nhờ mang thai hộ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; xác nhận khả năng mang thai hộ của người phụ nữ mang thai hộ.

- Trường hợp người mang thai hộ và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện việc mang thai hộ, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

+ Thực hiện và xác nhận về việc tư vấn cho các bên về y tế, tâm lý (lợi ích và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mang thai hộ), pháp lý (quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật);

+ Thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

- Trường hợp người mang thai hộ và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện việc mang thai hộ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trên đây là nội dung về thụ tinh nhân tạo là gì? Và thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 01/10/2025.

9

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác