
Quyết định 2616: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)
Ngày 09/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 2616/QĐ-BNNMT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định 2616: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch 2017, gồm các nội dung sau:
(1) Về phân vùng môi trường:
- Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường trong kỳ quy hoạch theo quy định tại Điều 23 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ).
- Xây dựng lộ trình nâng cấp, cải tạo công nghệ xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo phân vùng môi trường; xây dựng lộ trình kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của phân vùng môi trường và khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
(2) Thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:
- Thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong thành lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn đa dạng sinh học tự nguyện.
- Thực hiện rà soát, xác định lộ trình chuyển tiếp, chuyển hạng và thành lập mới hệ thống vườn quốc gia; hệ thống khu dự trữ thiên nhiên; các khu bảo tồn loài và sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo tồn các loài hoang dã, hệ sinh thái tự nhiên là nơi sinh sống, cư trú của các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các khu bảo vệ cảnh quan; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; các hành lang đa dạng sinh học; các khu vực đa dạng sinh học cao đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã.
- Thành lập các cảnh quan thiên nhiên quan trọng và hình thành các vùng đất ngập nước quan trọng đối với khu vực đất ngập nước ven biển, ven đảo và đất ngập nước nội địa.
- Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
- Tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.
- Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái. Phát triển các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong các đô thị.
- Quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực khác để nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ các-bon hướng tới mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050 và tham gia thị trường các-bon.
- Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mặt nước, mặt biển.
(3) Thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh:
- Điều tra, đánh giá và xác định các khu vực phù hợp để thành lập các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
- Đầu tư theo lộ trình hạ tầng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đáp ứng được các tiêu chí, quy mô, công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, tái chế chất thải, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm đảm bảo các yêu cầu đã được xác định trong Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 611/QĐ-TTg. Phấn đấu đến năm 2030 di dời các khu xử lý chất thải tập trung, cơ sở xử lý chất thải không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn về môi trường, xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, không đáp ứng yêu cầu về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương về chất thải vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh đã được quy hoạch.
- Nghiên cứu áp dụng các giải pháp về công nghệ cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh:
+ Đối với công nghệ xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp.
+ Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Đa dạng hóa các công nghệ xử lý để giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp trực tiếp. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất, tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả...) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ.
+ Tiếp tục tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ.
- Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh. Thực hiện lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định tại Điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường và yêu cầu kỹ thuật.
- Thực hiện quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì, chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR) nhằm tăng cường tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải.
- Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp tái chế, thu hồi tài nguyên và năng lượng từ chất thải; thúc đẩy việc chuyển đổi và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tái chế; khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế hiện đại; từng bước hạn chế các cơ sở tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.
- Đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh.
(4) Thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh:
- Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường; duy trì vận hành và đầu tư mở rộng đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục; thực hiện các chương trình quan trắc định kỳ. Đầu tư, nâng cấp các phòng thí nghiệm, các trạm quan trắc chất lượng môi trường trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; quản lý, chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và các nội dung của kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1899/QĐ-BTNMT ngày 10/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Về kế hoạch triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: Mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh thực hiện theo kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở phù hợp với định hướng về vị trí điểm, thông số, tần số quan trắc đã được xác lập trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; đảm bảo tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc môi trường cấp quốc gia, tập trung quan trắc đối với các thành phần môi trường chính gồm: nước mặt, không khí xung quanh, đất và một số thành phần môi trường khác.
Xem chi tiết tại Quyết định 2616/QĐ-BNNMT, ban hành ngày 09/7/2025.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền
29