
Sửa đổi bổ sung quy định về họp Đại hội đồng cổ đông từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Sửa đổi bổ sung quy định về họp Đại hội đồng cổ đông từ 01/7/2025
Quốc hội thông qua Luật 76/2025/QH15 sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ 01/7/2025.
Tại Luật 76/2025/QH15, các quy định về họp Đại hội đồng cổ đông được sửa đổi bổ sung cụ thể gồm quy định về triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông và Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông.
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 05% tổng số cổ phần có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông
Theo Điều 140 Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung tại Luật 76/2025/QH15, quy định về triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông như sau:
(1) Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường. Hội đồng quản trị triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
(i) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
(ii) Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;
(iii) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty (quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp);
(iv) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;
(v) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
(2) Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra trường hợp số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật hoặc nhận được yêu cầu triệu tập của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty và của Ban kiểm soát. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.
(3) Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại (2) thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.
(4) Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại (3) thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định.
(5) Đối với công ty có cơ cấu tổ chức quản lý Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại (2) thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định. Chi phí hợp lý cho việc triệu tập và tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được công ty hoàn lại
(6) Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện các công việc sau đây:
- Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;
- Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;
- Lập chương trình và nội dung cuộc họp;
- Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;
- Dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
- Xác định thời gian và địa điểm họp;
- Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định;
- Công việc khác phục vụ cuộc họp.
(7) Chi phí triệu tập và tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại các khoản (2), (3), (4), (5) sẽ được công ty hoàn lại.
Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông lập theo sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán
Theo Điều 141 Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung tại Luật 76/2025/QH15 danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông như sau:
- Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông, sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.
- Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần từng loại, số và ngày đăng ký cổ đông của từng cổ đông.
- Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục, sao chép tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông; yêu cầu sửa đổi thông tin sai lệch hoặc bổ sung thông tin cần thiết về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông. Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin trong sổ đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu. Trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin trong sổ đăng ký cổ đông thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty.
Xem thêm tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung tại Luật 76/2025/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2025.
11
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN