Trong phiên làm việc chiều 28/11, với 81,49% đại biểu có mặt,
Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ
phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu
hoặc phê chuẩn.
Theo Nghị quyết sửa đổi, Quốc
hội chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 3. Theo
giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng quy định này ngoài việc khắc
phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện
hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem
xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy
hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo.

Quốc
hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của 50 chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ 8 Quốc
hội khóa XIII (Ảnh:
Quang Trung)
Quy
định lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ, sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về
thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị
theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9
(khóa XI).
Về
mức độ tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo lưu lập luận, quy định 3 mức độ
tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm
và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một
bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ.
Cơ
quan giải trình cũng nhấn mạnh, theo quy định thì việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2
mức tín nhiệm và không tín nhiệm và cũng không quy định số lần bỏ phiếu trong
một nhiệm kỳ.
Qua
hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại Quốc hội, theo Ủy ban Thường vụ, việc
đại biểu Quốc hội thể hiện tín nhiệm theo 3 mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh
giá thận trọng, công tâm, khách quan của đại biểu đối với những người được Quốc
hội bầu, phê chuẩn. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy
phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo
giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.
Do
đó, quy định về 3 mức độ tín nhiệm đã được giữ nguyên, đưa ra Quốc hội để biểu
quyết thông qua, theo đúng tinh thần Kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung
ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).
Về
quy trình, thủ tục từ chức, miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với
người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, có ý kiến
cho rằng, quy định về từ chức tại khoản 1 Điều 18 chỉ áp dụng đối với trường
hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là chưa đầy đủ, đề nghị quy định chung việc từ
chức trong lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.
Giải
trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc từ chức, miễn nhiệm, phê chuẩn
đề nghị miễn nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu
hoặc phê chuẩn đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội và sẽ được quy định
trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, kết quả lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trong các lý do dẫn đến việc người giữ
chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn từ chức, bị miễn
nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm. Do vậy không quy định về quy trình, thủ
tục từ chức, miễn nhiệm trong Nghị quyết này để tránh trùng lặp trong việc quy
định lại các nội dung của luật.
Trong
Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định người được lấy
phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập và cân nhắc việc quy định về
thời gian xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín
nhiệm. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã được bổ sung nội dung kê khai tài sản,
thu nhập cá nhân vào khoản 3 Điều 6 và nhận được sự tán thành cao của Quốc
hội./.
Thanh Hà
Theo
VOV.VN
6,438
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN