
Ứng dụng Telegram là gì? Telegram vi phạm các quy định nào tại Việt Nam mà bị cấm? (Hình từ Internet)
Ứng dụng Telegram là gì?
Theo đó, Telegram là ứng dụng nhắn tin tức thời dựa trên công nghệ điện toán đám mây và dịch vụ truyền giọng nói trên giao thức IP. Khách hàng có thể sử dụng Telegram trên Android, iOS, Windows Phone, Windows, macOS và GNU / Linux. Người dùng có thể gửi tin nhắn và trao đổi bất kỳ loại ảnh, video, nhãn dán, âm thanh và tập tin nào.
Ngoài ra, Telegram là ứng dụng tương tự như Messenger hay Zalo, đều là ứng dụng được sử dụng để kết nối thông qua các tin nhắn bằng văn bản, ảnh, giọng nói… giữa người với người, được cài đặt trên điện thoại, máy tính… một cách hoàn toàn miễn phí.
Telegram ra đời từ năm 2013 bởi Nikolai và Pavel Durov. Hiện Telegram là ứng dụng có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Như vậy, có thể thấy, so với các ứng dụng khác, Telegram vẫn là một ứng dụng khá non trẻ nhưng đã có lượng người dùng rất nhiều.
>> Xem thêm: Đã có Công văn 2312/CVT-CS của Cục Viễn thông yêu cầu chặn Telegram tại Việt Nam
Telegram vi phạm các quy định nào tại Việt Nam mà bị cấm?
Cụ thể, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông về việc ngăn chặn hoạt động của dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật. căn cứ theo pháp luật về viễn thông, từ ngày 01/01/2025, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên Telegram không chấp hành quy định.
Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông 2023; với các vi phạm Điều 9 Luật Viễn thông 2023:
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông
1. Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
3. Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
4. Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật này.
5. Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”
Khi đó doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn (điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP).
“Điều 79. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông
1. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông như sau:
…
c) Triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông;”
Do đó, Cục Viễn thông chuyển văn bản 2898/A05-P5 của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kèm theo thông tin về việc Telegram vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông 2023; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an, báo cáo giải pháp, kết quả thực hiện bằng văn bản về Cục Viễn thông trước ngày 02/06/2025.
Trên đây là nội dung về “Ứng dụng Telegram là gì? Telegram vi phạm các quy định nào tại Việt Nam mà bị cấm?”
50
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN