Công văn 6246: Sở Y tế vào cuộc xác minh quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra xử lý xác minh quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo.

Công văn 6246: Sở Y tế vào cuộc xác minh quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo (Hình từ internet)

Ngày 22/5/2025,UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn 6246/UBND-KGVX về việc kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán thực phẩm kém chất lượng.

Công văn 6246/UBND-KGVX

Công văn 6246: Sở Y tế vào cuộc xác minh quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo

Thực hiện Công điện 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn 2965/BYT-QLD ngày 16/5/2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm; Công văn 1254/QLD-MP ngày 06/5/2025 Cục Quản lý dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan:

Khẩn trương chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các ngành liên quan kiểm tra và xử lý đối với việc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam quảng cáo đối với sản phẩm “Thực phẩm bổ sung Sữa lúa mạch Nestlé Milo" theo phản ảnh của các cơ quan báo chí và yêu cầu tại Công văn 1030/ATTP-NĐTT ngày 16/5/2025 của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế về việc phối hợp xử lý thông tin về sản phẩm sữa Nestlé Milo. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trong ngày 23/5/2025.

Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với các nội dung chỉ đạo nêu trên.

Ngoài ra, giao Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức đợt cao điểm và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. 

Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục. Kế hoạch thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/5/2025.

Xem chi tiết tại Công văn 6246/UBND-KGVX ban hành ngày 22/05/2025.

Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 như sau: 

- Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012.

- Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

- Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

- Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

- Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

- Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

- Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

- Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

- Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

- Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

- Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

- Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

- Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

 

16

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác